Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính

Xã hội - Ngày đăng : 05:31, 24/05/2022

Những năm qua, tại Bình Thuận việc nghiên cứu, cắt giảm quy trình, thủ tục hành chính để đơn giản, gọn nhẹ tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp luôn được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu trong hệ thống các cơ quan hành chính.
dsc-1354.jpg
Ảnh: Đ.Hòa

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các ngành, thời gian qua, việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận một cửa các cấp trong tỉnh ngày càng được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, dân chủ và hiện đại. Cơ cấu tổ chức, bộ máy tại các sở, ngành trong tỉnh được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Trong khi đó, công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt nhiều bước tiến bộ. Đã đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội, nhất là phục vụ bầu cử và phòng chống dịch Covid-19. Tỉnh đã xây dựng, ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương từ tỉnh đến huyện tương đối hoàn chỉnh trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là trong quản lý đất đai, thu hút đầu tư, sử dụng, thu, chi ngân sách. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách, định hướng quan trọng, tập trung giải quyết những nội dung bức xúc nảy sinh trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, kinh phí, chế độ chính sách, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp ở địa phương. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời, đảm bảo yêu cầu và tính khả thi. Bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp nói chung đã đáp ứng được trình độ chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu UBND các cấp trong quản lý nhà nước về công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý và thi hành các văn bản quy phạm pháp luật…

Mục tiêu trong năm 2022 là tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các ngành, địa phương. Theo đó các ngành, địa phương cần phải nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy trình, quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII để vừa tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, vừa nâng cao năng lực hiệu quả, điều hành. Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số…

THANH QUANG