Cảnh báo bệnh tay chân miệng gây tử vong

Đời sống - Ngày đăng : 05:33, 24/05/2022

Bệnh tay chân miệng (TCM) có thể gia tăng và đã ghi nhận tử vong. Một sự cần thiết ngay từ bây giờ là khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh.

Ca tử vong đầu tiên của năm 2022

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh TCM, thì có 1 trường hợp tử vong tại Bình Thuận. Bộ Y tế nhận định: Số ca mắc có chiều hướng tăng chủ yếu ở khu vực phía Nam. Dự báo trong thời gian tới, bệnh TCM có xu hướng gia tăng nếu trẻ không được rửa tay vệ sinh với xà phòng thường xuyên. Bên cạnh đó, bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh, kết hợp việc giao lưu đi lại là điều kiện khiến số ca bệnh có nguy cơ tăng.

bac-si-benh-vien-da-khoa-vun.jpg
Bác sĩ khám, điều trị cho trẻ bị bệnh tay chân miệng.

Cùng thời gian này, Bình Thuận ghi nhận 35 ca nhiễm bệnh TCM, giảm 89,5% so với cùng kỳ năm 2021 (332 ca). Đức Linh là huyện có số ca nhiễm cao nhất tỉnh với 14 ca, kế tiếp Hàm Thuận Bắc 7 ca và số còn lại nằm rải rác các địa phương khác, trừ Tuy Phong và Phú Quý chưa ghi nhận ca mắc nào. Mặc dù, số ca nhiễm giảm rất sâu so cùng kỳ năm 2021, nhưng so cả nước, Bình Thuận ghi nhận 1 ca tử vong đầu tiên của năm 2022. Trong khi đó, cùng thời điểm này của năm ngoái, Bình Thuận không ghi nhận ca tử vong.

Đây là trường hợp bệnh nhi nam, sinh năm 2020, trú tại TP. Phan Thiết. Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh vào ngày 31/3/2022. Bác sĩ chẩn đoán bệnh TCM, biến chứng viêm não, hôn mê sâu, rối loạn thần kinh thực vật. Kết quả xét nghiệm dương tính với tuýp vi rút EV71. Sau thời gian tích cực điều trị, bệnh nhân không qua khỏi và tử vong ngày 21/4/2022.

Vệ sinh tốt để phòng bệnh

Để kịp thời điều trị cho trẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Khi trẻ mắc bệnh TCM như loét miệng, phát ban, mụn nước mà có các dấu hiệu nguy hiểm (sốt cao liên tục khó hạ kèm với nôn ói; giật mình, run chi, chới với, bứt rứt, ngủ gà, co giật, hôn mê…; thở khó, thở nhanh, thở không đều; tim đập nhanh, tay chân lạnh, thay đổi màu sắc da), thì hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đáng chú ý, các cha mẹ phải luôn vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ, rửa sạch tay chân trẻ với xà phòng.

Theo Bộ Y tế, bệnh TCM xuất hiện quanh năm, thường gia tăng từ tháng 9 - 11 hàng năm, phân bố theo tuổi ở trẻ em từ 1 tuổi đến dưới 10 tuổi. Thời tiết khí hậu nóng ẩm, việc giao lưu đi lại tạo những điều kiện thuận lợi cho bệnh tiếp tục gia tăng, có thể bùng phát thành dịch.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tăng cường phòng chống dịch để ngăn chặn tình trạng dịch bệnh TCM lan rộng, kéo dài, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong. Đó là triển khai các giải pháp ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành chủ động phối hợp với ngành y tế tuyên truyền tại các trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh TCM và các dịch bệnh trong trường học.

Các cơ sở giáo dục phải cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; có đủ các phương tiện, xà phòng rửa tay. Người chăm sóc trẻ, trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Lớp học và môi trường xung quanh được vệ sinh sạch. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Các cơ sở giáo dục phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

TRANG MINH