Nhu cầu logistics và quản lý chuỗi cung ứng hiện nay?

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:38, 24/05/2022

Trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, logistics và quản lý chuỗi cung ứng ra đời như một giải pháp cho nhu cầu sản xuất và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện, nhanh chóng nhất. Do đó, logistics và quản lý chuỗi cung ứng dần khẳng định được vai trò to lớn của mình đối với nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Triển vọng việc làm cao

Logistics là một lĩnh vực kinh doanh có đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia. Với hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết hàng năm, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Vì thế, triển vọng phát triển của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là rất lớn, mở ra hàng chục ngàn cơ hội việc làm cho sinh viên.

logistics-la-gi.jpg

Dù logistics và quản lý chuỗi cung ứng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động kinh tế của xã hội, nhưng vì ngành vẫn còn khá mới mẻ đối với phần lớn phụ huynh và học sinh trên cả nước. Chính vì thế, điều này dẫn đến tình trạng “khát” nguồn nhân lực chuyên môn cho nước nhà nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Theo Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals - CSCMP), logistics là “một phần của việc quản trị chuỗi cung ứng, bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng”. Hiểu một cách đơn giản, logistics là một trong những ngành “dịch vụ hậu cần”. Đây là quá trình chuẩn bị hàng hóa, sắp xếp, đóng gói, kẻ ký mã hiệu, bảo quản hàng hóa, vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, dịch vụ khách hàng… Nói cách khác, logistics là “nhân vật trung gian” để đưa hàng hóa từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Học chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Phan Thiết, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về: Quy trình vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ của hàng hóa với nhiều phương thức vận tải khác nhau như đường bộ, đường sắt và đường biển. Phương thức marketing quốc tế, quản trị chiến lược, xây dựng - quản lý hệ thống các chuỗi bố trí kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải một cách tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong cung ứng hàng hóa. Quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng… Cách phân tích luồng hàng, xác định nhu cầu khách hàng… Cách lập kế hoạch và tổ chức công tác đóng gói, kho bãi, xếp dỡ, giao nhận, vận tải và cung ứng; thiết kế mạng lưới logistics; xây dựng quy trình khai thác, phát triển và quản trị chuỗi cung ứng…

Học logistics ra trường làm gì?

Sau khi ra trường, sinh viên có thể công tác tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận nói chung… Cụ thể, những vị trí công việc của nghề logistics gồm có: Lên kế hoạch hay phân tích: Chịu trách nhiệm tập hợp và phân tích dữ liệu, xác định vấn đề và phát triển những khả năng hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng. Thu mua: Là người xác định nguồn hàng cung ứng, đánh giá và lựa chọn đơn vị cung ứng, đàm phán hợp đồng và giữ mối quan hệ hợp tác với những người cung ứng. Chuyên viên kiểm kê: Là người chịu trách nhiệm kiểm kê chất lượng và độ chính xác của hàng hóa, giám sát lưu lượng hàng, làm việc với các kho hàng và chiến lược phân phối hàng hóa để tối ưu hóa dòng chảy công việc và năng suất lao động trong các cơ sở phân phối. Nhân viên quản lý hàng hóa: Công việc này sẽ là kết hợp với các nhân viên thu mua, phân phối và cung ứng để đảm bảo quá trình phân phát hàng hóa sao cho tin cậy và hiệu quả… Ngoài ra, khi theo đuổi ngành học logistics, sau khi ra trường có thể làm việc trong một số lĩnh vực liên quan mật thiết đến logistics và quản trị chuỗi cung ứng như: phòng thanh toán quốc tế tại các ngân hàng trong và ngoài nước; phòng kinh doanh dịch vụ bảo hiểm tàu, bảo hiểm hàng hóa tại các công ty bảo hiểm…

H.C