Dông thịt “hút hàng”

Kinh tế - Ngày đăng : 05:47, 24/05/2022

600.000 – 700.000 đồng/kg dông thịt, loại từ 2 - 5 con/kg. Đây là mức giá cao nhưng không phải đơn hàng nào chủ trại nuôi dông cũng nhận lời, bởi dông thịt đang khan hiếm, nguồn cung không đủ cầu.

2 xã Hồng Phong và Hòa Thắng của huyện Bắc Bình được xem là “thủ phủ” của con dông, bởi khí hậu, thổ nhưỡng nơi này rất thích hợp cho dông sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, cách đây 4 năm, do sự phát triển ồ ạt, thiếu định hướng lại chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên việc tiêu thụ dông gặp nhiều khó khăn, thương lái thu mua với giá rất thấp, chỉ từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, thậm chí không bán được. Tình trạng này đã khiến cho nhiều hộ nuôi dông bỏ chuồng, tìm hướng đi mới.

z3435168009384_43627294982f19b0e5e8e4c8d49f14db.jpg

Trái với cảnh đìu hiu trước đây, hiện tại nghề nuôi dông ở 2 địa phương này đang bắt đầu nhộn nhịp trở lại, khi mà hàng ngày đều có các thương lái đến thu mua để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Luận, thôn Thanh Thịnh, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình có khoảng 2 sào đất dùng để nuôi dông. Thời điểm này, cứ trung bình một tuần, ông lại xuất bán một lứa dông thịt, khoảng từ 2 - 3 kg, có khi nhiều hơn. Ông Luận cho biết, mấy tháng trở lại đây thương lái đã đến từng hộ nuôi dông trên địa bàn xã để thu mua, không hạn chế số lượng với giá từ 600.000 – 700.000 đồng/kg, thế nhưng không phải lúc nào cũng có sản phẩm để bán. “Khi nhiều hộ dân bỏ nghề nuôi dông vì giá cả thấp, không có đầu ra thì tôi vẫn cố gắng cầm cự. Mới cách đây 3 ngày tôi thu hoạch được 2 kg dông thịt, bán cho thương lái. Với giá bán hiện tại, mỗi tháng con dông đem lại thu nhập cho gia đình từ 8 -10 triệu đồng”, ông Luận phấn khởi nói.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thu mua dông thịt, thương lái Nguyễn Thị Mai (xã Hòa Thắng) cho biết: Hiện nay, không chỉ có nhà hàng, khu resort, khách sạn ưa chuộng thịt dông, mà ngay cả các hộ dân cũng thường xuyên mua về để cải thiện món ăn trong gia đình. Chính vì vậy, lượng hàng được đặt rất lớn, tuy nhiên, khả năng cung cấp hàng hiện giờ không phải lúc nào cũng có.

Theo Hội Nông dân của 2 địa phương trên, dông dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm, là các phụ phẩm trong nông nghiệp như: Rau lang, rau muống, trái trứng cá, thanh long, hạt đậu phộng… Thế nhưng, khâu chăm sóc dông lại ngược lại, nó kỳ công hơn. Nếu không nắm vững kỹ thuật cũng như chịu khó theo dõi vật nuôi ở những thời điểm sinh sản để có sự phân chia chuồng trại hợp lý, dễ gây thương tích cũng như khó duy trì nòi giống. Đây là nguyên nhân mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Thắng cũng như xã Hồng Phong dần từ bỏ nuôi dông vào những năm trước.

Hiện nay xã Hòa Thắng chỉ còn 5 ha với 16 hộ nuôi; còn tại xã Hồng Phong cũng chỉ còn từ 3 - 4 ha nuôi dông. Bà Nguyễn Thị Kiều, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Phong cho biết: Xã đã thành lập tổ nuôi dông nhằm tạo điều kiện để các hộ nuôi liên kết với nhau trong việc trao đổi kinh nghiệm nuôi, cũng như liên kết với các đơn vị khác cung cấp đầu ra cho sản phẩm dông thịt; từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cũng theo bà Kiều, chính quyền địa phương khuyến khích phát triển đàn dông nhưng phải có định hướng, kế hoạch, không nên ồ ạt mở rộng để tránh việc cung vượt quá cầu như những năm trước.

Được biết, nhiều năm trước, Sở khoa học và công nghệ Bình Thuận cũng đã triển khai đề tài “bảo tồn nguồn gen con dông nhằm duy trì đa dạng sinh học và khai thác phục vụ nghiên cứu, thương mại”. Thế nhưng, nhiều lý do khác nhau như giá cả thị trường, tập tính sinh sản của con dông... nên việc khôi phục nuôi dông trở lại cần nhiều thời gian để người dân ở “thủ phủ” dông thực hiện.

Bảo Ngọc