Doanh nghiệp FDI hồi phục tốt sau dịch bệnh

Trong nước - Ngày đăng : 09:14, 24/05/2022

Sau đại dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp FDI ở TP.HCM đều phục hồi sản xuất và có mức tăng trường tốt, nhiều doanh nghiệp có mức tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm trước.

TP.HCM có 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với hơn 500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sau đại dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp FDI ở đây đều phục hồi sản xuất và có mức tăng trường tốt, nhiều doanh nghiệp có mức tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm trước.

Một số doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư tăng thêm vốn, tăng công suất và tuyển dụng thêm lao động. Thành phố đang tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp để tăng cường thu hút vốn các dự án FDI mới.

Hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu và tuyển dụng lao động

Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM thì Khu Công nghệ cao tập trung nhiều doanh nghiệp FDI lớn với hơn 50 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 9,1 tỷ USD.  Mỗi năm, các doanh nghiệp trong khu này có kim ngạch xuất khẩu hơn 20 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Thành phố. Sau dịch bệnh, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp tăng sản lượng và mở rộng quy mô.

Công ty TNHH Datalogic Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, chuyên sản xuất thiết bị đọc mã vạch. Trong lúc dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động  “3 tại chỗ”. Sau dịch bệnh, từ tháng 10/2021 đến nay, doanh nghiệp này đã nhanh chóng ổn định sản xuất trong “trạng thái bình thường mới”. 

Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, sản lượng sản phẩm sản xuất và xuất khẩu của công ty tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Hiện công ty có nhiều đơn hàng mới nhưng đang thiếu nguyên liệu, linh kiện sản xuất, nhất là linh kiện điện tử.

"Bộ phận mua hàng của tập đoàn tìm mọi cách để có thêm nguồn cung nguyên liệu, linh kiện cho sản xuất. Chúng tôi thương lượng với các đối tác có kế hoạch cung cấp nguyên liệu, linh kiện tốt hơn. Chúng tôi làm việc với khách hàng chuyển sang mua những mặt hàng có nguồn cung phong phú hơn, thuyết  phục khách hàng đặt hàng cái mình có sẵn" - ông Chung chia sẻ.

dn.jpg
Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất đáp ứng đơn hàng mới.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đều khôi phục sản xuất tốt và mở rộng quy mô. 

4 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp ở Khu Công nghệ cao TP.HCM đạt hơn 8,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tăng 13%. Hiện nay, hàng chục doanh nghiệp ở đây đang tăng cường tuyển dụng lao động chất lượng cao cho các bộ phận sản xuất và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Bà

Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, Ban đang có nhiều giải pháp liên kết đào tạo để tạo thêm nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. "Ban quản lý đang tích cực phối hợp với các trường đại học tìm nguồn cung ứng lao động, kết nối đào tạo, tham gia các chương trình thực tập sinh, đào tạo theo yêu cầu, đặt hàng cho các trường đại học đào tạo nhân lực theo yêu cho doanh nghiệp, nhất là các ngành đang có nhu cầu cao như điện tử, vi mạch điện tử, cơ khí chất lượng cao, nhân lực dành cho công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm".

Cải cách hành chính để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn

Trước đây, tất cả các thủ tục hành chính, doanh nghiệp FDI thực hiện một cửa tại Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Vài năm gần đây, do một số quy định mới, nhiều thủ tục doanh nghiệp phải liên hệ nhiều sở, ngành của Thành phố, mất khá nhiều thời gian. 

Theo một số DN,  Quyết định 29 quy định đối với các dự án đặc biệt liên quan đến ưu đãi khiến DN phải liên hệ rất nhiều nơi. Đây là một trở ngại đối với doanh nghiệp.

TP.HCM đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn FDI. Thành phố cũng đang tập trung giải quyết vấn đề thủ tục hành chính một cửa ở Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo 2 hướng. Thành phố tranh thủ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù của Thành phố, trong đó có tăng cường phân cấp, ủy quyền.

Nếu được phê duyệt, Thành phố sẽ mạnh dạn phân cấp ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Tuy nhiên, vấn đề này còn vướng một số luật và quy định cần phải được tháo gỡ.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM  cho biết thêm: "Chúng tôi đang đề nghị Khu Công nghệ cao TP nghiên cứu mô hình "1 cửa" nhưng nhiều chỗ, nâng cao trách nhiệm của Ban Quản lý này chịu trách nghiệm giải quyết, tiếp nhận hồ sơ và hoàn trả hồ sơ cho doanh nghiệp. Còn tất cả các việc bên trong  giữa các cơ quan nhà nước thì Ban Quản lý thì chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp, giải quyết, bàn bạc, thảo luận, thống nhất. Còn những vấn đề  vướng mắc, bất cập chưa giải quyết được thì làm việc với doanh nghiệp để thống nhất".

Việc phục hồi sản xuất nhanh của các doanh nghiệp FDI là tín hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế của TP.HCM sau dịch bệnh. Theo Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, TP.HCM được đánh giá là nơi phục hồi sau dịch bệnh nhanh và có triển vọng phát triển tốt. Những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính của Thành phố sẽ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới./.

vov.vn