Phụ huynh không lo lắng bệnh viêm gan “bí ẩn”

Đời sống - Ngày đăng : 05:42, 25/05/2022

Bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân ở trẻ (bệnh viêm gan “bí ẩn”) đang được phát hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng chưa phát hiện ca bệnh nào, nhưng không ít các phụ huynh ít nhiều có tâm lý lo lắng về bệnh này. Phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế để biết rõ thêm về bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân.
a-hong.jpg
Bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế

Thưa ông, lứa tuổi nào phổ biến nhất dễ mắc viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân?

Bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em là tình trạng gan bị viêm nhiễm chưa xác định rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Các chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới đang nghĩ bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân có liên quan đến Adenovirus, Adenovirus thì tồn tại từ trước đến nay. Đến thời điểm này, mọi cái vẫn chưa có đủ bằng chứng để khẳng định Adenovirus là nguyên nhân gây bệnh ở nhóm bệnh trẻ viêm gan cấp nói trên.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các ca bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân thường trong độ tuổi từ 0 - 16 tuổi. Trong đó bệnh nhân bé nhất mới 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhóm trẻ mắc bệnh nhiều hơn là nhóm dưới 10 tuổi. Bệnh nhân có thể hồi phục sau điều trị hỗ trợ tích cực. Một số trường hợp diễn biến nặng gây suy gan không hồi phục, cần ghép gan và đã có những trường hợp tử vong.

Bình Thuận có giải pháp gì để giám sát bệnh viêm gan này?

Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ. Do đó, Bình Thuận cũng chưa có. Song, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo tăng cường giám sát, kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em; báo cáo ngay những trường hợp bất thường. Từ đó, Sở Y tế Bình Thuận cũng đã có văn bản triển khai chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện.

Các phụ huynh lưu ý như thế nào để phòng bệnh, thưa ông?

Bởi chưa rõ nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ, ngành y tế chưa thể khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu. Tuy vậy, các phụ huynh không nên hoang mang, không quá lo lắng, mà cần bình tĩnh và chú ý để có thể phát hiện sớm các triệu chứng bệnh đường tiêu hóa và tổn thương gan ở trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện như nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, có dấu hiệu vàng da, viêm kết mạc… thì đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám.

Trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh để có các biện pháp đặc hiệu, việc phòng bệnh cần tuân thủ theo nguyên tắc: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi vệ sinh. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng, bao gồm cả vắc xin phòng viêm gan B, viêm gan A, vắc xin Covid-19 khi có chỉ định. Sử dụng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt lưu ý phòng bệnh cho trẻ trong các trường học, nhà trẻ bằng cách đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân (ly uống nước, thìa, bát ăn, khăn mặt…), vệ sinh, sát khuẩn bề mặt tốt.

Cảm ơn ông!

TRANG MINH