Nhóm Bộ Tứ khẳng định cam kết về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Quốc tế - Ngày đăng : 09:01, 25/05/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo các nước khác thuộc nhóm Bộ Tứ bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia ngày 24/5 đã nhóm họp tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Các bên đã ra tuyên bố khẳng định cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và có khả năng phục hồi.
Tuyên bố chung nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nguyên tắc của tự do, thượng tôn pháp luật, các giá trị dân chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không dùng tới vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự do hàng hải và hàng không. Các nước thuộc nhóm Bộ Tứ cũng tái khẳng định quyết tâm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nơi không có mọi hình thức cưỡng ép chính trị, kinh tế và quân sự.
Tuyên bố nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ của nhóm Bộ Tứ nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khẳng định, trung tâm của trật tự quốc tế là luật pháp quốc tế bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia. Lãnh đạo các nước nhóm Bộ Tứ cũng nhấn mạnh rằng mọi quốc gia phải tìm cách giải quyết tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhóm Bộ Tứ cam kết hợp tác với các đối tác trong khu vực cùng chung tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuyên bố chung tái khẳng định sự ủng hộ kiên định đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN và việc triển khai thực chất Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhóm Bộ Tứ hoan nghênh Thông cáo chung của EU về Chiến lược của EU về Hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố tháng 9/2021 và gia tăng can dự của EU ở khu vực này.
Nhóm Bộ Tứ tuyên bố sẽ ủng hộ tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được thể hiện trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và duy trì tự do hàng hải và hàng không, nhằm ứng phó với các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ bao gồm ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhóm Bộ Tứ phản đối mạnh mẽ mọi hành động cưỡng ép, khiêu khích hoặc đơn phương nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở khu vực, như việc quân sự hóa các thực thể có tranh chấp, việc sử dụng nguy hiểm tàu hải cảnh và dân quân trên biển, cũng như các nỗ lực nhằm làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác./.