Thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng trên 20% bất chấp đại dịch
Trong nước - Ngày đăng : 09:09, 25/05/2022
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố mới đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo báo cáo EBI, trong khó khăn chung của nền kinh tế trong hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tác động đến hoạt động thương mại toàn cầu cũng như tại Việt Nam, nhưng lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ “làn sóng thứ hai”.
“Làn sóng thứ hai” của TMĐT diễn ra từ tháng 6 - 9/2021 trùng với đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Trong thời gian diễn ra “làn sóng” này, toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội bị trì trệ, kinh doanh TMĐT bị tác động nghiêm trọng, nhưng đông đảo các thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
“Người tiêu dùng trực tuyến trong thời gian quý III/2021 đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Làn sóng thứ hai cộng hưởng với làn sóng thứ nhất (từ tháng 2 - 4/2020) đã thúc đẩy TMĐT phát triển nhanh và vững chắc hơn”, báo cáo EBI khẳng định.
Đáng chú ý, báo cáo EBI 2022 đánh giá sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng (Social Commere), có thể tạo ra xu hướng mới thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong giai đoạn tới ở Việt Nam. Điều này tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tạo ra nhiều việc làm mới tại các địa phương.
Tuy nhiên, báo cáo EBI cũng nhấn mạnh sự phát triển nhanh của TMĐT ở Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu hút vốn đầu tư vào các nền tảng trong hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, TP.HCM và Hà Nội dù là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các quyết định phong toả để phòng chống dịch Covid-19, nhưng hai thành phố này tiếp tục dẫn đầu về TMĐT trong năm 2021.
Các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ vẫn có mức độ phát triển TMĐT thấp hơn đáng kể so với mức trung bình chung của cả nước.
Từ thực tiễn này, VECOM đang đề xuất các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần quan tâm tới hoạt động hỗ trợ các địa phương trong việc thu hẹp khoảng cách số nói chung, lĩnh vực TMĐT nói riêng.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM nhận định, sau đại dịch Covid-19 môi trường kinh doanh thay đổi, thói quen và xu hướng người tiêu dùng cũng nhanh chóng thay đổi theo. Cùng lúc này, quá trình chuyển đổi số cũng như công nghệ số đã có những chuyển biến đáng kể khiến các doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích ứng, đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển chung nhưng cũng là biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy phục hồi cũng như tăng trưởng kinh tế đột phá sau đại dịch../.