Thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X): Chính sách tam nông hiệu quả và hy vọng
Kinh tế - Ngày đăng : 05:05, 26/05/2022
Thực hiện tốt Nghị quyết này, trong những năm qua tỉnh Bình Thuận đã thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng đầy đủ, tạo sự chuyển biến tích cực với sự đổi thay nhiều vùng nông thôn, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ rệt
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trong cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống nông dân và người dân nông thôn. Nông nghiệp được cơ cấu theo hướng hiện đại, duy trì và phát triển theo hướng toàn diện cả về quy mô và trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô xuất khẩu nông sản tăng mạnh. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế, cơ cấu nông thôn chuyển đổi tích cực, nông thôn đổi mới, khang trang, văn minh hơn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện sinh sống của phần lớn người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt là thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần, năng lực làm chủ của người dân được nâng cao, tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đổi mới, phù hợp với kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và tiến trình hội nhập quốc tế. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai hiệu quả hơn, cơ chế, chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng được hoàn thiện. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp được nâng cao, công tác lãnh đạo của Đảng có nhiều đổi mới…
Minh chứng cho điều này đó là: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng. Theo đó, việc tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và xã hội hóa giống lúa được tỉnh triển khai tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả bước đầu đã tạo một số hiệu ứng tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nhất là tạo hướng đi mới trên đất canh tác lúa nước từ quảng canh, thu nhập thấp sang luân canh có thu nhập cao, tiết kiệm nước tưới. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt là đã tạo được điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới. Thành tựu nổi bật nhất chặng đường xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận chính là những kết quả về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ và đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản. Nổi bật là phong trào làm giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, cứng hóa được khoảng 60% tổng chiều dài đường giao thông nông thôn. Phong trào làm thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương nội đồng tiếp tục phát huy hiệu quả…
Định hướng chiến lược đến năm 2045
Trong giai đoạn phát triển đến năm 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bình Thuận xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể. Theo đó, tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,8 - 3,3%, năm 2030 đạt 2,5 - 3%, đến năm 2025, có 75/93 xã và 5/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến năm 2030, có 93/93 xã và 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 25 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng 2,2 lần so năm 2015, cơ bản xóa nghèo, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo và cải thiện rõ rệt mức sống người dân nông thôn của tỉnh. Năm 2030, thu nhập bình quân khu vực nông thôn gấp hơn 2 lần so năm 2020, không còn tình trạng tái nghèo và tiếp tục cải thiện rõ mức sống người dân nông thôn của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn. Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện nhanh điều kiện sinh sống ở các vùng nông thôn. Nâng cao toàn diện thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư, đảm bảo công bằng xã hội ở nông thôn. Thúc đẩy tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy nhanh trình độ ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển…