Đảng bộ Phan Thiết: Tự hào và phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành

Chính trị - Ngày đăng : 05:13, 26/05/2022

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển (5/1947 - 5/2022), Đảng bộ Phan Thiết đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng Đảng, chính quyền, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; chung sức, đồng lòng phát triển kinh tế - xã hội, phát huy truyền thống đoàn kết của vùng đất giàu truyền thống cách mạng…

Những trang sử vẻ vang

Ôn lại kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ Phan Thiết, ông Nguyễn Hồng Hải – Bí thư Thành ủy cho biết: Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, Phan Thiết đã có những đảng viên cộng sản đầu tiên từ các nơi về hoạt động. Từ đây các đồng chí này đã tuyên truyền, giáo dục và kết nạp một nhóm cộng sản và nhóm cơ sở cách mạng đầu tiên. Nhận rõ Phan Thiết là trung tâm đầu não của địch ở Bình Thuận nên Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Đảng bộ thị xã Phan Thiết vào tháng 5/1947 tại số nhà 04 đường Cống Quỳnh, phường Đức Nghĩa. Từ năm 1948 trở đi, bộ máy lãnh đạo các cơ quan Dân, Quân, Chính, Đảng của thị xã Phan Thiết di chuyển và đóng chân tại Khu căn cứ bưng Cò Ke - Ba Hòn. Sau khi Thị ủy được thành lập, nhiều chi bộ Đảng ở các phường được thành lập. Đây là lực lượng tiên phong lãnh đạo phong trào cách mạng chống thực dân Pháp xâm lược, giành nhiều thắng lợi to lớn. Nổi bật là trận cải trang tập kích Lầu Ông Hoàng ngày 14/6/1947; trận cải trang tập kích vào thị xã 14/6/1948 và nhiều trận đánh tiêu biểu khác. Nhìn lại quá trình 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ Phan Thiết đã kiên trì bám dân để xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, góp phần cùng quân dân trong tỉnh và cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954).

z3432704948130_8ec43c2c4a65273717ba1b36c9d3c8a0.jpg

Trong kháng chiến chống Mỹ (1959 - 1964), để bảo mật, Đảng bộ thị xã Phan Thiết có tên gọi khác là Đảng bộ Thuận Thủy. Cơ quan Thị ủy lúc bấy giờ chuyển ra đóng ở Láng Duối, sau đó dời lại ra bưng Cò Ke – Ba Hòn (thuộc xã Tiến Thành giáp với ranh giới huyện Hàm Thuận Nam ngày nay). Với khí thế cách mạng đang lên, Đảng bộ thị xã Phan Thiết xác định nhiệm vụ tiếp tục tiến công giải phóng thị xã; khí thế diệt ác, phá kèm, phá ấp chiến lược lên mạnh chưa từng có, góp phần đánh bại âm mưu chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy ở miền Nam. Thừa thắng xông lên, 20 giờ ngày 18/4/1975, quân ta tấn công vào Phan Thiết với 3 mũi tiến công, địch hoảng hốt tháo chạy tán loạn. Sáng ngày 19/4/1975, Ủy ban quân quản vào tiếp quản, Phan Thiết hoàn toàn được giải phóng.

Phát huy truyền thống anh hùng

Sự kiện “Nhật thực toàn phần” ngày 24/10/1995 đã mở ra cho Phan Thiết hướng đi mới trong phát triển kinh tế – xã hội, làm thay đổi rõ nét bộ mặt đô thị thành phố trẻ được mệnh danh là “Thủ đô Resort”. Tiếp đến, TP. Phan Thiết đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và thành lập TP. Phan Thiết - Đô thị loại III (25/8/1999); đến năm 2009 Phan Thiết được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II. Đây là những sự kiện trọng đại, thực sự là cơ hội để thành phố phát triển. Từ đây TP. Phan Thiết bắt đầu thời kỳ mới và chính thời khắc lịch sử này, Đảng bộ và nhân dân thành phố càng tự hào về quá khứ hào hùng năm xưa chính là động lực tinh thần - một nguồn lực nội sinh to lớn để vượt qua khó khăn, thách thức để dựng xây Phan Thiết ngày càng phát triển hơn.

Thời điểm này, TP. Phan Thiết đang tập trung xây dựng thành phố theo hướng đô thị loại I. Nhiều dự án trọng điểm đã và đang triển khai tạo điểm nhấn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội như: Khu du lịch, thương mại, dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né; Khu du lịch NovaWorld Tiến Thành; Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; dự án sân bay Phan Thiết... Theo Bí thư Thành ủy Phan Thiết Nguyễn Hồng Hải, điểm đột phá là kết cấu hạ tầng được xây dựng theo hướng đô thị loại I, diện mạo thành phố ngày càng khởi sắc, khang trang; nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển khá mạnh, đây là yếu tố cơ bản tạo nên sự thay đổi toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng hiện nay đạt kết quả bước đầu. Nhận thức, ý thức tu dưỡng rèn luyện, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên chuyển biến tích cực, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ được tăng cường, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được kiện toàn. Toàn Đảng bộ Phan Thiết hiện nay có trên 6.000 đảng viên, đang sinh hoạt tại 57 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc; hàng năm, toàn Đảng bộ phát triển trên 250 đảng viên mới, đây là những đảng viên trẻ, có năng lực để bổ sung vào đội ngũ đảng viên của Đảng bộ nhằm xây dựng Đảng bộ Phan Thiết ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nhìn lại chặng đường 75 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Phan Thiết; 4 phường, xã; 3 đơn vị và 10 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hơn 2.000 liệt sĩ, hàng ngàn thương binh, bệnh binh; có 330 mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; 4.353 cá nhân và gia đình được tặng thưởng huân huy chương kháng chiến các loại. “Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ Phan Thiết nhất định sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa, đưa Phan Thiết trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật, là thành phố động lực phát triển của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí đô thị loại I, đưa TP. Phan Thiết cùng cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” - ông Hải cho biết thêm.

THU HÀ