Rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Thiệt nhiều, lợi ít!
Bảo hiểm xã hội - Ngày đăng : 05:40, 26/05/2022
Câu chuyện rút BHXH 1 lần đang có chiều hướng gia tăng để giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng ít người nghĩ rằng không có khoản tích lũy, rất dễ rơi vào “bẫy nghèo” khi về già. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 1.200 người rút BHXH 1 lần. Đó là việc tất yếu khi 2 năm ảnh hưởng nặng nề dịch Covid – 19 nhiều người đối mặt với khó khăn chồng chất. Đặc biệt, theo thống kê của BHXH Việt Nam, tuổi của lao động rút BHXH 1 lần ngày càng trẻ, phổ biến ở tuổi dưới 40, trong đó phần lớn chỉ 20 - 30 tuổi và hầu hết ở khu vực ngoài Nhà nước.
Tôi có quen một người chú từng công tác ở cơ quan Nhà nước và về hưu được 5 năm. Do sự cố gia đình, nên người này đã nhận BHXH 1 lần, vì thế khi về hưu không có lương, bệnh tật triền miên khiến gia cảnh ngày càng sa sút. Chú tâm sự: “Điều đáng tiếc nhất là chú nhận “một cục” từ BHXH. Lúc đó do con cái bị tai nạn, nên cần tiền chữa trị, ai ngờ rút BHXH là một sai lầm. Giờ cuộc sống của con cái cũng không khá giả, vợ chồng không có lương hưu nên càng chật vật”. Trường hợp trên không còn hiếm gặp thời gian gần đây, khi nhiều người có xu hướng “đám đông” muốn nhận BHXH 1 lần, thay vì chờ đến tuổi nghỉ hưu. Đã có người đóng trên 10 năm vẫn quyết định “kết sổ” bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Một số người cho rằng, mức đóng BHXH hàng tháng của người lao động chưa cao, nên dẫn đến tiền hưởng lương hưu thấp. Đã vậy còn tăng tuổi nghỉ hưu, đồng nghĩa thời gian đóng BHXH cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Nếu như sức khỏe người lao động không tốt, qua đời trước tuổi hưu do bệnh tật, thì người lao động cũng không kịp nhận lương hưu. Thêm vào đó đa phần người lao động là công nhân nhà máy họ đóng ở mức không cao, dù có lãnh lương hưu cũng không đủ sống, nên thà rút ra tìm cơ hội…
Song song với suy nghĩ ấy, vẫn có nhiều lao động khác xin tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già. Việc tham gia BHXH, không chỉ đơn thuần để người lao động có cơ hội nhận lương hưu, mà còn liên quan nhiều chế độ khác như BHYT, tử tuất, thai sản… Vì vậy, không nên chạy theo tâm lý “đám đông” mà mất những quyền lợi lâu dài về sau. Người lao động nên bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện thì tiếp tục để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó để hưởng chế độ hưu trí.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, để người lao động vẫn yên tâm tham gia BHXH, rất cần đến những chính sách hỗ trợ kịp thời như cho người lao động vay ngắn hạn hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm. Song song đó, cần mở rộng mạng lưới tiếp cận để người lao động đã từng rút BHXH 1 lần quay trở lại “lưới an sinh”, tiếp tục tham gia BHXH, kể cả ở hình thức BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh linh hoạt các chính sách BHXH, nghiên cứu thời gian tham gia để người đóng BHXH tự nguyện hưởng được các quyền lợi, lợi ích như BHXH bắt buộc. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH 1 lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH 1 lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hàng tháng khi về già, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Muốn vậy, hãy tích lũy, tham gia BHXH ngay khi còn trẻ.
Nếu ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp BHXH, người lao động có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp để đủ điều kiện nhận lương hưu, tránh được nguy cơ rơi vào “bẫy nghèo” khi không có sổ hưu.