Nhạc hè trong ký ức

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:50, 27/05/2022

“…Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…”, đó là nhạc phẩm “Nỗi buồn hoa phượng” của Thanh Sơn - một bài hát đã ăn sâu vào lòng của những thế hệ học sinh từ những thập niên 60-70.

Mùa hè thời tiết khắc nghiệt nhất trong 4 mùa, nhưng mùa hè cũng là mùa rực rỡ và tươi đẹp (theo cách nói của những văn nghệ sĩ), nên có rất nhiều tranh ảnh, thơ văn… diễn tả mùa hè. Đặc biệt, âm nhạc viết về mùa hè rất phong phú về ca từ, đa dạng về thể loại. Mùa hè dành cho tất cả mọi người chớ không riêng gì những ai còn cắp sách đến trường. Đó là kỳ nghỉ hè của một năm, dài ngắn tùy theo tập tục của mỗi đất nước và hoàn cảnh của mỗi người, và… người Sài Gòn bỗng một ngày nào đó thấy học trò chộn rộn kỳ thi cuối cấp, các trường đại học chuẩn bị tuyển sinh, phượng Sài Gòn lác đác trổ hoa, trời hầm hập nóng, và những cơn mưa không kịp tháo giày, mặc áo mưa… thì biết hè về!

img-0819-1559779911_1559816230.jpg

“Trời hồng hồng sáng trong trong ngàn phượng rung nắng ngoài sông…”, đó là nhạc phẩm Hè về của Hùng Lân, mà mỗi năm đến hè chúng tôi hát rùm trời. Thời ấy, nghĩ lại đi học sao nó nhẹ tênh (cả sách vở và tâm hồn!). Mỗi năm đến hè lòng chúng tôi man mác buồn vì phải xa thầy cô, xa bạn bè… dù thời gian xa nhau chỉ có 90 ngày! “Rồi chiều nay hè trở về đây/ phượng thắm ơi, phượng thắm rơi đầy/ lại cách xa nhau chín mươi ngày/ hay là một thế kỷ dài mà lòng ai đang khóc ai/ Một ngày nào mình mới gặp nhau/ phượng đã phai ve chẳng ru sầu/…” (nhạc Mùa chia tay - Duy Khánh).

Trong cuộc đời, ai cũng có một lần được cắp sách đến trường dù ngắn hay dài và thuộc ít nhất một bài hát hè. Thời gian đã đi qua, chúng ta rồi cũng đi qua, chỉ có bài ca còn ở lại trong ký ức của mỗi con người. Nhạc hè có bài vui, có bài buồn, nhưng dù vui hay buồn, tất cả đều mang thông điệp của tuổi trẻ chuẩn bị hành trang bước vào đời, một chút lãng mạn của tình yêu học trò, một chút bâng khuâng của những năm cuối cấp và một chút nghĩ bâng quơ về những ngày sắp tới phải xa cách vì một hoàn cảnh nào đó, để rồi không biết có còn gặp nhau nữa không? “… Thời gian qua trôi mau không ngừng đâu/ mỗi mùa hoa phượng đầu/ tiếng ve kêu gợi sầu/ phút chia tay rầu rầu/ tiếc thương riêng mình biết/ hoặc tìm trong mắt nhau/…” (nhạc Kỷ niệm nào buồn - Hoài An).

Nhạc hè trong ký ức mỗi người là chuỗi kỷ niệm nhớ nhớ quên quên của những lớp học trò từ những thập niên 70 trở về trước. Nhắc lại sẽ có người không cầm được nước mắt. “Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi nhắc lại câu chuyện buồn/ Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu nơi kỷ niệm êm ái/ Đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ?/ Ngày hai đứa dìu nhau đến sân trường/ cùng đuổi bướm/ hái hoa trên cuối đường/ tiếng cười vạn tình thương/…” (nhạc Lưu bút ngày xanh – Thanh Sơn).

Nhạc hè có rất nhiều, nhưng đứng được với thời gian và ghi khắc vào lòng người thì chỉ đếm được trên mười đầu ngón tay?! Đã hơn nửa thế kỷ đi qua, những bài hát được nhắc lại trong bài viết ngắn này, cho dù trẻ hay già, trí thức hay nông dân… cho dù có khó tính đến đâu chắc cũng phải công nhận rằng đó là những ca khúc rất bình dân và nó đã đứng được với thời gian và không ngăn cách biên giới và lòng người!

Ba tháng hè của những năm tháng xa xưa ấy, chúng tôi “dẹp sách vở một bên” (thường thì gia đình cho chơi thả cửa) rủ nhau câu cá, thả diều, đá banh… nếu có điều kiện thì lên núi xuống biển… Vậy mà đến khi tựu trường vào năm học mới, đứa nào làm bài cũng được thầy cô khen… Good… Bon… thế mới là lạ!

Bây giờ, mỗi năm đến hè, học sinh làm gì? Phải chăng học sinh bây giờ mỗi năm đến hè lòng cũng man mác buồn nhưng cái buồn không giống chúng tôi ngày ấy, buồn vì phải học hè! Ôi nếu thế thì còn đâu là kỳ nghỉ hè đúng nghĩa dành cho học sinh, tiếc nhỉ!!!

TRẦN HỮU NGƯ