Người thắng - kẻ thua

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:10, 27/05/2022

Trận chung kết bóng đá nam đêm 22/5/2022 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, thủ đô Hà Nội, giữa 2 đội U – 23 Việt Nam và U – 23 Thái Lan, trong khuôn khổ SEA Games – 31 kết thúc trong niềm vui của đội thắng giành huy chương vàng.

Bóng đá Việt Nam và Thái Lan vốn kình địch, ăn thua nên niềm vui của đội thắng vỡ òa trong sắc màu cờ hoa tung bay. Báo thể thao uy tín Siam Sport của Thái: “Lên bục nhận huy chương bạc mà nhiều cầu thủ Thái rấm rứt khóc. Đội thua buồn tê tái!”.

bong-da-1.jpg
Ảnh minh họa.

Trước giờ bóng lăn, mạng xã hội Việt và Thái rộn ràng và đăm chiêu đua nhau chế ảnh, chế thơ, vè cúng trời cúng Phật, người hâm mộ cười đến chảy nước mắt, cười vỡ cả bụng. Món lẩu Thái thượng hạng chua cay là thế cũng mang ra chế! Ví như một tài khoản nọ đã hóm hỉnh mà chế rằng: Con lạy thần cổ vũ/ Con lạy chủ tiền sân/ Con lạy thần thẻ đỏ/ Con lạy gió lạy mưa/ Con lạy thưa thần bóng/ Con thực lòng kính thỉnh: Thần xà ngang tham gia phá bóng/ Thần cột dọc nhanh chóng cứu nguy/ Thần trọng tài tư duy sáng suốt/ Thần thời tiết mưa buốt mang đi/ Thần thổ công hãy vì màu áo…

Nữ tỷ phú trưởng đoàn bóng đá Thái Lan Madam Pang, người phụ nữ mê bóng đá đến cháy bỏng tim gan ra đường pitch vái lạy cầu trời Phật phù hộ độ trì để “chúng con đánh bại đối thủ!” (theo báo thể thao Goal – phiên bản tiếng Thái). Ăn cây nào rào cây đó, huấn luyện viên trưởng Mano Polking cũng chắp hai tay lên trời cầu nguyện sự “toàn thắng” của đội bóng đá nam U-23 nước Thái. Tiếng còi mãn cuộc, huy chương vàng tuột khỏi tầm tay, ông Polking không giấu nổi sự buồn bã xen nỗi bực tức, khi ông ấy ném luôn chiếc thẻ huấn luyện viên xuống mặt sân cỏ, ngay trước ống kính truyền hình, thẻ do ban tổ chức SEA Games – 31 cấp, thường vẫn đeo trang trọng trước ngực.

Bàn thắng duy nhất của đội tuyển bóng đá nam U-23 Việt Nam đến ở phút 83. Một cú chuyền bóng của tiền vệ cánh mang áo số 12 như đặt lòng vào cái đầu “thần” của tiền đạo số 17 mới vào thay người. Bóng chạm mép dưới xà ngang tung lưới đội khách. Cả rừng cờ đỏ sao vàng đỏ rực sân vận động và khắp mọi làng bản, phố phường, trước sự ngỡ ngàng của 2 hậu vệ cao to số 4 và số 16 đội Thái. Mạng xã hội lại được phen… chế, dí dỏm và hài hước. Nhà báo: “Tại sao số 17 đội Việt Nam nhảy lên đánh đầu mà cả 2 anh cầu thủ nước Thái chôn chân đứng im như trời trồng, không hề ngăn chặn, có phải do họ bán độ không nhỉ”. Cầu thủ số 4: “Làm gì có, chúng em tưởng số 17 là cầu thủ đội Thái nên không lao vào”. Nhà báo: “Rõ ràng số 17 mặc áo đỏ, có phải áo màu vàng đâu ta?”. Số 16 phụ họa, buồn – rất buồn mà vẫn tếu táo: Vào trận thầy Polking và sếp Pang dặn: “số 17 là cầu thủ người Thái”. Nhà báo lấn tới, nụ cười chảy nước mắt rất chi là … tếu : “Khổ quá, cầu thủ số 17 Nhâm Mạnh Dũng là người Thái, nhưng không phải Thái Lan mà là Thái Bình, hihi - kaka”! Số 16 dù rất buồn do tuột khỏi tay tấm huy chương vàng mà vẫn cười gượng: “Số 17 có cái tên MẠNH DŨNG với cái lắc đầu nhanh như hổ, mạnh như báo vồ, có mà ông cố nội thủ môn Kawin tài ba cũng phải chào thua!”.

Bóng đá là vậy - môn thể thao vua. Vào sân ắt có người thắng, kẻ thua. Thắng mà khóc do quá xúc cảm. Thua mà khóc do sơ sểnh. SEA Games – 31 tuyển nữ và tuyển nam Việt Nam đánh bại bóng đá Thái, chỉ đêm trước đêm sau. Môn túc cầu đòi hỏi tính tập thể, đồng đội; kỷ luật và bản lĩnh; huấn luyện viên lão luyện, tinh đời; đôi lúc có cả sự may mắn. Ngang tài ngang sức, thắng thua trong gang tấc, có khi chỉ là một cái lắc đầu tinh tế, dũng mạnh(!)

Phía trước là bầu trời bao la, chờ đợi nhiều trận đấu lớn. Người hâm mộ dõi theo, cùng các chàng trai áo đỏ Việt yêu quý “chiến” và “thắng” – đón đợi sự rực rỡ của những tấm huy chương !

ÚT MŨI NÉ