Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại tổ vào các dự án luật

Chính trị - Ngày đăng : 16:07, 27/05/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tại Tổ 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bình Thuận, Bắc Kạn, Đà Nẵng và Tây Ninh, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

11.jpeg
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), theo  Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông, trong thực tế vấn đề thực hiện các kết luận thanh tra còn nhiều bất cập. Tại Điều 6, dự thảo Luật Thanh tra, đại biểu Thông đồng tình với diễn đạt của dự thảo luật về việc bổ sung thẩm quyền thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tuy nhiên cần nghiên cứu lại đây là thẩm quyền chứ không phải trách nhiệm. Đối với tổ chức hoạt động của thanh tra Bộ thì cần làm rõ cụm từ “công chức khác”. Cụm từ này dễ gây hiểu lầm, chưa phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, tránh tình trạng thành viên đoàn thanh tra không phải là người của cơ quan thanh tra.

22.jpg
ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ góp  ý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Nêu quan điểm xung quanh dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ nêu rõ, đối với phòng thanh tra cấp huyện, hiện nay đang thí điểm cơ quan thanh tra, kiểm tra nhưng Chính phủ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, hoặc Chính phủ nên cụ thể hóa vào trong Luật. Bên cạnh đó, việc thành lập thanh tra ở tổng cục, cục ở Bộ có thể dẫn đến việc bất cập với việc cải cách hành chính, sắp xếp tinh giản bộ máy. Nếu phải thành lập, thì nên thành lập ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Vì vậy, nên bổ sung thêm nhiệm vụ cho ngành thanh tra là “Tiến hành xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập” vào Luật.

2.jpeg
ĐBQH tỉnh Trần Hồng Nguyên

ĐBQH tỉnh Trần Hồng Nguyên cho rằng: Hệ thống cơ quan thanh tra cấp huyện, các vấn đề sai phạm, vướng mắc khó khăn cần được giải quyết ở cấp cơ sở càng tốt, hạn chế đẩy lên cấp trên. Thực trạng việc hoạt động của thanh tra cấp huyện vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Đối với hạn chế về con người thì có thể sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng trình độ, phẩm chất đạo đức để đạt được hiệu quả cao nhất. Mặt khác, cùng với việc thanh tra Bộ, thì cũng nên thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ. Đồng thời, cần có cơ chế để thanh tra Bộ và thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ hoạt động thanh tra vừa tập trung, vừa đảm bảo tính phân cấp, đảm bảo sự hiệu quả chức năng của thanh tra Bộ là cơ quan đầu mối của việc thanh tra.

1.jpeg
ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). 

Thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh nêu rõ một số tồn tại, khó khăn. Đáng chú ý là bất cập trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết như vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề, quản lý người hành nghề. Phương thức cấp chứng chỉ hành nghề còn nhiều vấn đề, chưa thông qua tổ chức, kiểm tra xét tuyển. Bên cạnh đó, quản lý cơ sở khám, chữa bệnh còn nhiều vướng mắc khó khăn; các điều kiện đảm bảo cho khám, chữa bệnh, nhất là về giá khám bệnh. Tại khoản 1, Điểm b, Điều 4 về chính sách khám chữa bệnh, đại biểu Linh đề nghị bổ sung thêm đối tượng còn thiếu như đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng, đối tượng bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân lao, bệnh nhân bệnh phong,…

u.jpg
ĐBQH tỉnh Phạm Thị Hồng Yến thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). 

Theo ĐBQH tỉnh Phạm Thị Hồng Yến, các điều kiện đảm bảo khám, chữa bệnh, ngoài hệ thống tổ chức, thông tin, người hành nghề… cần phải có điều khoản về phát triển nhân lực, thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ cho lực lượng tối thiểu là đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Đối với giá dịch vụ khám, chữa bệnh, hiện tại Nhà nước ban hành giá dịch vụ đối với cơ sở khám chữa bệnh công lập. Tuy nhiên, ngoài việc thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý về giá, thì Nhà nước cũng phải có khung giá, dịch vụ đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và có cơ chế kiểm soát mức giá này để đảm bảo quyền lợi cho người dân…

T.HÀ