Tổng thống Putin điện đàm với lãnh đạo Pháp - Đức, chỉ trích việc bơm vũ khí cho Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 09:13, 29/05/2022

Tổng thống Nga Ukraine Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài 80 phút với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/5 bàn về nhiều chủ đề nóng.

Mặc dù cho rằng Ukraine khiến các cuộc đàm phán hòa bình bị đóng băng nhưng Tổng thống Putin khẳng định với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng Moscow sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột, đồng thời chỉ trích việc phương Tây bơm vũ khí cho Ukraine.

Theo thông báo về cuộc điện đàm được điện Kremlin đưa ra, Tổng thống Putin đã vạch ra những diễn biến gần đây trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và cho biết cuộc sống bình thường đã quay lại Mariupol cũng như một số thành phố khác Nga giành quyền kiểm soát gần đây.

Tổng thống Putin xác nhận Nga để ngỏ cánh cửa đàm phán hòa bình và sẵn sàng xuất khẩu phân bón cũng như các nông sản khác, song điều này sẽ cần phương Tây dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Ông cũng cho biết Nga sẽ đàm bảo việc xuất khẩu lúa mì có thể diễn ra ở các cảng biển của Ukraine trên Biển Đen. Moscow cáo buộc, gần đây, việc xuất khẩu không thể diễn ra là do Ukraine đặt mìn ở vùng biển này. Tuy nhiên, Hải quân Nga vẫn mở 2 làn đi lại cho các tàu thuyền dân sự, một ở Biển Đen và một ở Biển Azov.

Thông báo từ phía Đức thì cho biết cả Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Pháp Macron đều yêu cầu Tổng thống Putin tuyên bố lệnh ngừng bắn ngay lập tức và rút quân khỏi Ukraine. Cả 2 nhà lãnh đạo này đều đánh giá tích vực về cam kết của Tổng thống Putin nhằm đối xử với các binh lính Ukraine bị bắt giữ "phù hợp với luật nhân đạo quốc tế" và cho phép Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế tiếp cận không giới hạn.

Phía Đức và Pháp cũng chỉ trích Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU lên Moscow. Hai nhà lãnh đạo này vẫn tiếp tục đối thoại trực tiếp với Tổng thống Putin giữa bối cảnh các chính trị gia châu Âu khác từ chối đối thoại với Nga.

Tuy nhiên, mặc dù duy trì đối thoại thường xuyên với Nga nhưng cả Đức và Pháp đều cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Dù vậy, Tổng thống Macron phủ nhận việc hối thúc Tổng thống Ukraine từ bỏ lãnh thổ để đàm phán với Nga, điều mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đề xuất trong tuần này.

Tổng thống Putin đánh giá việc phương Tây hỗ trợ quân sự và bơm vũ khí vào Ukraine "có nguy cơ khiến tình hình thêm bất ổn và làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây". Kết thúc cuộc trao đổi trong 80 phút, cả 3 nhà lãnh đạo đều nhất trí tiếp tục giữ liên lạc./.

vov.vn