Phát huy giá trị văn hóa của dân ca, dân vũ, dân nhạc
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:44, 31/05/2022
Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của DTTS là các loại hình diễn xướng dân gian, được đồng bào DTTS lưu truyền từ đời này qua đời khác, đã tô đậm thêm cho nền văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Gìn giữ và bảo tồn văn hóa phi vật thể
Các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh đã và đang được các cấp, các ngành chức năng cùng nhân dân tích cực giữ gìn, khôi phục, khai thác và phát huy các giá trị với nhiều chính sách, giải pháp, hoạt động thiết thực, hiệu quả như kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc. Tổ chức các chương trình liên hoan, giao lưu, phát huy hiệu quả các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào DTTS trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Trong đó, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch là hướng đi mới, dù chưa có nhiều chương trình, hoạt động nhưng cũng là xu hướng hứa hẹn nhiều tiềm năng. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã thành lập các đội văn nghệ dân gian Chăm, câu lạc bộ hát Then của dân tộc Nùng, tập hợp các thanh thiếu niên tham gia vào nhóm lớp sử dụng các nhạc cụ dân tộc như đánh trống ghi năng, trống paranưng, thổi kèn saranai, hát dân ca, vũ điệu Chăm... Nghiên cứu Luật tục của đồng bào Chăm, Raglai, Cờho và Chơro phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Phát triển nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian) 4 dân tộc tiêu biểu gồm: dân tộc Chăm, Raglai, Cờho và Chơro, thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật. Bên cạnh đó còn rất nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến giá trị văn hóa phi vật thể của các DTTS đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa DTTS đã có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu, nhất là việc khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào. Những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, thể hiện rõ nhu cầu và bản sắc đặc trưng riêng. Đây chính là một tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh đã rất quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai đồng bộ công tác về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào DTTS thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa phi vật thể. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đưa di sản văn hóa phi vật thể là tài nguyên phong phú và trở thành sản phẩm du lịch lợi thế của tỉnh.
Kế hoạch phát triển lâu dài
Tuy nền văn hóa phi vật thể các DTTS trên địa bàn tỉnh có bước phát triển trong những năm gần đây, nhưng thực tế cho thấy nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý giá của đồng bào có nguy cơ bị mai một, biến thể, mất mát, khó có điều kiện và khả năng để phục hồi. UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh sẽ triển khai tổng kiểm kê và lập danh mục loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho công chức văn hóa và các chủ thể văn hóa trong công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS tại địa phương. Phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS gắn với phát triển du lịch tại các huyện: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân. Hướng dẫn các trường phổ thông trong tỉnh triển khai giảng dạy tốt nội dung giáo dục của địa phương theo tài liệu giáo dục địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, đặc biệt là các nội dung liên quan đến văn hóa, nghệ thuật của địa phương. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Xây dựng các hành trình kết nối di sản dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt là sẽ ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch, phát huy tài nguyên số dữ liệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các DTTS trên các nền tảng không gian mạng qua: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… gắn kết với thị trường, đối tượng, sản phẩm du lịch. Giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục rà soát lập hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” là người dân tộc thiểu số. Duy trì hoạt động và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS gắn với phát triển du lịch của huyện: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân. Giới thiệu nguồn gốc, giá trị và vai trò của một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào DTTS trong các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cho học sinh nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp nói chung và giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số nói riêng đối với thế hệ trẻ. Duy trì các hành trình kết nối các tour, tuyến ở các khu vực có tiềm năng hình thành các chuỗi liên kết với sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh…