Nỗ lực phá thế phong tỏa Biển Đen, mở đường xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine
Quốc tế - Ngày đăng : 15:34, 31/05/2022
Trong bối cảnh xung đột Nga Ukraine bước sang tháng thứ tư, các cảng của Ukraine ở Biển Đen vẫn đang bị phong tỏa, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ukraine là nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm trên thế giới. Đầu tháng này, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo, hàng triệu người trên thế giới có thể sẽ chết nếu các cảng biển của Ukraine vẫn còn bị phong tỏa.
Biển Đen bị phong tỏa, Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc
Biển Đen tiếp giáp Ukraine ở phía Bắc, Nga và Gruzia ở phía Đông, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Nam, Bulgaria và Romania ở phía Tây.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2 đến nay, Nga vẫn chiếm ưu thế ở phía Bắc Biển Đen và đã phong tỏa các cảng biển của Ukraine.
Theo Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko trong các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Nga hôm 25/5 đã nói rằng Moscow sẵn sàng mở hành lang đi lại an toàn cho tàu thuyền vận chuyển lương thực – nhưng chỉ với điều kiện phương Tây dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Nga.
Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang tìm cách phá thế phong tỏa của Nga ở Biển Đen, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis đã đề xuất thành lập một liên minh hải quân để bảo vệ tàu thuyền Ukraine khỏi tên lửa của Nga, cho phép ngũ cốc Ukraine được vận chuyển qua Biển Đen ra thế giới.
“Với nỗ lực này, tàu hoặc máy bay quân sự hoặc cả hai có bảo vệ tàu chở ngũ cốc Ukraine rời Odessa an toàn và tới eo biển Bosphorus mà không bị lực lượng Nga cản trở. Chúng ta cần một liên minh, gồm các nước có lực lượng hải quân mạnh mẽ, để bảo vệ hành lang vận chuyển trên biển”, ông Landsbergis trả lời phỏng vấn Guardian tuần trước.
“Đây sẽ là một nhiệm vụ nhân đạo phi quân sự và không thể so sánh với vùng cấm bay”, ông Landsbergis nhấn mạnh thêm.
Đề xuất của ông Landsbergis được Anh chào đón một cách thận trọng.
“Những gì chúng ta cần làm là giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Anh đang làm việc về một giải pháp khẩn cấp để có thể đưa ngũ cốc ra khỏi Ukraine”, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói.
Ông Harry Nedelcu, Giám đốc phụ trách Chính sách tại Rasmussen Global cho biết, đề xuất của Litva là một lựa chọn có thể cân nhắc nhằm phá vỡ thế phong tỏa ở Biển Đen.
“Nga có tới vài chục tàu ở Biển Đen, trong đó có cả tàu ngầm. Vì thế, một lựa chọn khác có thể giúp phá thế phong tỏa là các nước cung cấp cho Ukraine vũ khí hiện đại và tinh vi hơn để có thể đánh chìm tàu Nga. Khi đó Biển Đen sẽ không còn bị phong tỏa và Ukraine có thể đưa các tàu chở ngũ cốc đi qua khu vực này”, ông Nedelcu nói.
NATO có tham gia?
Do Nga nhiều lần chỉ trích việc NATO mở rộng về phía Đông, Ngoại trưởng Litva Landsbergis nhấn mạnh rằng NATO sẽ không tham gia vào một liên minh hải quân như vậy ở Biển Đen.
Ông Ian Anthony, Giám đốc Chương trình An ninh Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) chỉ ra rằng, đã có nhiều dịp các nước NATO thực hiện sứ mệnh hợp tác hải quân riêng bên ngoài khuôn khổ NATO.
“Đã có một sứ mệnh quốc tế để bảo vệ tàu vận tải thương mại khỏi cướp biển ở Ấn Độ Dương, ở Biển Đỏ, ở Đông Nam Á. Ngoài ra, EU cũng đã có một sứ mệnh bảo vệ tàu khỏi cướp biển ở Tây Phi và ở Ấn Độ Dương. Vì vậy, một sứ mệnh hải quân ở Biển Đen để bảo vệ tàu Ukraine cũng có thể hoạt động theo cách tương tự mà không có sự tham gia của NATO”, ông Anthony nói với DW.
Vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Ngoại trưởng Litva, ngoài Anh, các nước bị ảnh hưởng vì ngũ cốc Ukraine không thể xuất khẩu như Ai Cập, có thể đóng vai trò nhất định trong việc cử tàu hộ tống tàu.
Trong một báo cáo gửi SIPRI đầu tháng 5, ông Anthony nêu cách thức Liên Hợp Quốc có thể điều phối một đội tàu quốc tế với sự tham gia của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.
“Theo ý kiến của tôi, lý tưởng nhất là đoàn tàu hộ tống sẽ bao gồm các tàu từ nhiều quốc gia. Các tàu này sẽ đóng vai trò bảo vệ các tàu chở ngũ cốc Ukraine vượt qua Biển Đen”, ông Anthony nói.
Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ không lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng ông Anthony cho rằng nếu sứ mệnh hải quân quốc tế là một sứ mệnh nhân đạo nhằm khắc phục tình trạng mất an ninh lương thực, không có lý do gì để Bắc Kinh và New Delhi phản đối.
Ông Anthony cũng nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò không thể thiếu vì nước này “canh gác” lối vào Biển Đen.
“Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm pháp lý theo Công Ước Montreux về cách thức hành động trong thời chiến. Do Thổ Nhĩ Kỳ đã thừa nhận có một cuộc chiến tranh ở Ukraine, nước này có nghĩa vụ theo Công ước Montreux phải đóng cửa các eo biển đối với tàu quân sự và đó là những gì họ đã làm”, ông Anthony nói.
Công ước Montreux trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền kiểm soát eo biển Bosphorus và Dardanelles và điều chỉnh giao thông hàng hải ở Biển Đen. Tuy nhiên, ông Anthony cũng giải thích rằng, ngay cả trong chiến tranh, cũng có một số trường hợp nhất định Thổ Nhĩ Kỳ không thể đóng cửa các eo biển này với tàu chiến.
Theo ông Anthony, trường hợp thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến. Điều này chắc chắn sẽ không xảy ra. Trường hợp thứ hai là khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này đang gặp nguy hiểm. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu, vì thế khủng hoảng an ninh lương thực có tác động nhất định ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là điều có thể châm ngòi bất ổn trong nước.
“Thổ Nhĩ Kỳ có thể tuyên bố rằng: ‘Chúng tôi coi tình hình hiện nay là mối nguy hiểm hiện hữu đối với an ninh quốc gia’. Với điều kiện đó, họ có thể cho phép tàu quân sự đi qua các eo biển theo Công ước Montreux. Điều này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phá thế phong tỏa ở Biển Đen”, ông Anthony nói./.