Bổ sung quyền kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại cộng đồng dân cư
Chính trị - Ngày đăng : 09:29, 01/06/2022
Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận tại tổ 3 gồm các tỉnh: Bình Thuận, Bắc Kạn, Đà Nẵng và Tây Ninh.
Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9. Ngay sau đó, Tổng thư ký Quốc hội đã có Văn bản số 831 thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9 về dự án Luật. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn An thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tham gia góp ý Điều 4, quyền của công dân, cán bộ, công chức viên chức người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm: công khai thông tin, cung cấp thông tin, đề xuất sáng kiến tham gia ý kiến, ủy quyền, khiếu nại, tố cáo nhưng không có quyền kiểm tra, giám sát. Đại biểu An đề nghị Điều 4 cần đưa thêm một nội dung liên quan đến quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở là được quyền kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại cộng đồng dân cư cũng như tại cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Quan tâm đến Điều 9, khoản 2 nêu những nội dung mà chính quyền địa phương cấp xã phải công khai, trong đó có công khai nội dung, số liệu thuyết minh tình hình dự toán ngân sách cấp xã định kỳ theo quý, 6 tháng và hàng năm. Đại biểu An cho rằng, chỉ nên công khai nội dung, số liệu 6 tháng gắn với kỳ họp HĐND và tổng kết năm, không nên đưa ra quá nhiều công việc, tạo thêm gánh nặng không đáng có cho cán bộ cấp xã.
Thảo luận xung quanh Điều 64, các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở, ĐBQH tỉnh Phạm Thị Hồng Yến đề nghị bổ sung một nội dung hết sức quan trọng đó là các điều kiện bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điều kiện ở đây không chỉ là vấn đề, biện pháp cách thức mà còn là vấn đề liên quan tới con người, tài chính, cơ sở vật chất hạ tầng.
Nêu quan điểm về nguyên tắc tại Điều 3, Khoản 2: “Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Theo ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ, nguyên tắc là như vậy, tuy nhiên trong quá trình cụ thể hóa các chương, điều, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ít được đề cập đến. Đặc biệt là công tác kiểm tra giám sát cũng như theo dõi những kiến nghị sau kiểm tra giám sát chưa rõ, chỉ thể hiện được một số hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, còn ở cơ quan, doanh nghiệp, vai trò của Mặt trận đoàn thể không rõ. Chính vì vậy, đại biểu Sỹ đề nghị cần cụ thể hóa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.
Góp ý cụ thể vào Điều 11: “Công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã, qua trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc gửi trực tiếp bằng văn bản đến nhân dân”, theo Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông, nên quy định có thời điểm cụ thể để người dân biết đón nghe thông tin công khai quy định cấp xã.
Khoản 12, Điều 9 quy định đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu, được công bố thông tin qua hệ thống truyền thanh. Đại biểu Thông cho rằng, đây là những nội dung mà nhân dân và cử tri muốn biết liên quan đến tài chính. Do vậy đề nghị các nội dung tại Điều 9 đều phải công khai minh bạch bằng các hình thức chứ không chỉ qua hệ thống truyền thanh.
Tại Điều 8, ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh đề nghị bổ sung thêm quy định trách nhiệm, hình thức kỷ luật chế tài xử lý đối với cá nhân, tập thể chính quyền ở cơ sở trong thực hiện chậm trễ hoặc không thực hiện những nội dung liên quan đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và đúng với pháp luật đã đề ra. Tại khoản 1, Điều 25, đại biểu Linh đề nghị bổ sung cụm từ “chính đáng, hợp pháp”; viết lại như sau: “những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân ở địa phương”.
Cũng trong phiên thảo luận, các ĐBQH cũng cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).