Hướng tới nền nông nghiệp chất lượng cao

Kinh tế - Ngày đăng : 05:07, 02/06/2022

Hiện nay hầu hết các địa phương trong cả nước đang hướng tới việc phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh các địa phương vẫn giữ hướng phát triển nông nghiệp truyền thống, đã có không ít các địa phương bắt đầu tiếp cận nền nông nghiệp chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Ứng dụng nông nghiệp chất lượng cao vào sản xuất

Nông nghiệp chất lượng cao không còn là khái niệm mới mẻ với các địa phương, tuy nhiên với Bình Thuận việc phát triển nông nghiệp theo hướng này mới chỉ là bước đầu. Nông dân trong tỉnh vẫn quen với nông nghiệp thâm canh quy mô nhỏ, thiếu tập trung. Đó cũng là lý do mà ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nền kinh tế. Hơn nữa, chất lượng nông sản của tỉnh vẫn chưa được đánh giá cao trên thị trường trong và ngoài nước. Số lượng nông sản xuất khẩu chưa nhiều, đặc biệt là hàng nông sản của tỉnh vẫn chỉ thâm nhập vào thị trường nước ngoài chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhiều nước trên thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân chính để Bình Thuận nên áp dụng nền nông nghiệp chất lượng cao vào sản xuất. Việc áp dụng nền nông nghiệp chất lượng cao là phương pháp hiệu quả giúp nâng cao chất lượng nông sản của tỉnh để xuất khẩu.

trnh-nl-2-.jpg
Trồng rau thủy canh ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh. Ảnh: N.Lân

Việc phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao là một vấn đề cần thiết đối với nền nông nghiệp của tỉnh. Bởi nông nghiệp chất lượng cao có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cũng như nâng cao chất lượng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với lợi thế của cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, những năm qua cây thanh long đã chiếm vị thế quan trọng trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay diện tích thanh long của tỉnh chiếm khoảng 33.750 ha. Đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng người dân chặt bỏ thanh long chuyển đổi sang cây trồng khác nên diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 936 ha. Nguyên nhân giảm diện tích thanh long ở các địa phương là từ năm 2021 đến nay, việc tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn, giá thanh long liên tục xuống thấp trung bình ở mức 1.000 - 4.000 đồng/kg. Hiện nay, hơn 85% sản lượng thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại là tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các thị trường khác. Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích trồng thanh long của Bình Thuận chiếm hơn 30.000 ha và là địa phương có diện tích thanh long nhiều nhất cả nước.

Tăng giá trị sản phẩm

Để đảm bảo được chất lượng hàng nông sản nói chung, thanh long nói riêng góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế, UBND tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, tiếp tục rà soát, kiến nghị hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng, an toàn thực phẩm cho mặt hàng nông lâm thủy sản. Lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện sản xuất kinh doanh mặt hàng nông sản chất lượng, an toàn. Tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm, hỗ trợ, xây dựng các sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đảm bảo chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Đồng thời tăng cường phổ biến chính sách pháp luật, thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản của tỉnh. Duy trì triển khai các chương trình giám sát, cảnh báo vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, tăng cường thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, xử phạt nghiêm vi phạm.

Để có giải pháp phát triển và tiêu thụ thanh long bền vững trong thời gian tới, mới đây Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái thanh long trên địa bàn tỉnh”, do đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Tại hội thảo, đồng chí Dương Văn An đã khẳng định: “Việc phát triển diện tích và tăng sản lượng thanh long hiện nay ở tỉnh ta nên dừng lại, thay vào đó là cần tập trung nâng cao chất lượng để tăng giá trị sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường”. Có thể khẳng định rằng, nông nghiệp chất lượng cao luôn gắn liền với việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản. Việc xây dựng thương hiệu không khó, cái khó là làm sao phát triển và giữ vững được thương hiệu sau khi được xây dựng. Muốn vậy, điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng của nông sản đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường. Việc hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản có quy mô lớn, tăng cường xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sẽ là cơ sở ban đầu hình thành các thương hiệu mạnh của các doanh nghiệp và nông sản trên thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, vai trò của Nhà nước đối với phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao cũng vô cùng quan trọng, thể hiện qua các chính sách hỗ trợ nhằm xóa đói, giảm nghèo và giúp nông dân trong phát triển sản xuất nông sản có quy mô lớn, sản xuất theo quy hoạch, thực hiện hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp với sự hợp tác nỗ lực từ nhiều phía, đó là cơ sở để xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh sớm đi lên sản xuất hàng hóa lớn và có thương hiệu mạnh trên thị trường nông sản…

THANH QUANG