Sóng “bạc”

Xã hội - Ngày đăng : 05:45, 02/06/2022

“Có những lúc đưa được người bị nạn vào bờ, em bị ngất vì đuối và lạnh. Anh em trong đội ai cũng từng bị ít nhất một lần. Một ngày của em, trừ lúc ăn cơm ở nhà, gần như ở dưới bãi. Tụi em cũng không nhận lương gì hết, việc thiện nguyện, chỉ có điều hơi lo về sau…” – Đức nói, nhưng mắt cứ nhìn ra bãi biển, nơi những cây cờ đen lạnh lẽo ở bãi tắm Tam Tân trong buổi chiều mây giăng mù mịt.
dsc07080.jpg

Người “gác biển”

Bãi tắm Tam Tân (xã Tân Tiến, thị xã La Gi) thường đông khách vào cuối tuần. Vì là bãi tắm công cộng nên tấp nập người mua bán. Từ tháng này trở đi khách sẽ đông, khách càng đông bất trắc càng nhiều. Bờ biển gần 7 km, nối dài từ thôn Tam Tân, giáp ranh xã Tân Hải đến thôn Hiệp Phú, giáp ranh xã Tân Bình. Đặc biệt có khu di tích lịch sử Dốc Ông Bằng và khu di tích Dinh Thầy Thím, hàng năm khách du lịch trong và ngoài địa phương đến tham quan, du lịch và tắm biển rất đông.

“Khách du lịch họ thường có thói quen sau khi “sần sần” thì xuống tắm, bất chấp những nơi nguy hiểm đã được cắm biển báo. Mình khuyên, thì họ quay ra nói những lời rất khó nghe. Những lúc vậy phải lặng thinh” – Nguyễn Công Đức, đội phó đội cứu hộ đuối nước, bắt đầu câu chuyện. Sau khi lái chiếc mô tô nước đưa khách chạy một vòng trên biển.

dsc07082.jpg
Nguyễn Công Đức - Đội phó đội cứu hộ đuối nước 

Từ ngày anh em bỏ tiền đầu tư thêm mấy chiếc mô tô nước, việc cứu hộ du khách bị đuối nước cũng có phần đỡ vất vả hơn. “Hồi trước tụi em toàn bơi ra, đến khi cứu được người sức đã đuối. Ngất xỉu hoài chứ gì, kiểu như cái nghiệp của mình không bỏ được” – Đức bộc bạch. Chàng trai này nay đã có 1 vợ và 3 con. Đôi tay gần như chai sần vì gần 20 năm qua đã gắn bó với bãi tắm Tam Tân lúc chừng 15 - 16 tuổi. “Theo các chú đi trước, rồi quen, khi mấy chú nghỉ, mình làm”. Từ đó đến nay, không biết bao nhiêu trường hợp đã được cứu, từ những em thiếu niên đến người lớn. Những con số thống kê chỉ là trong một giai đoạn nào đó, chứ cái tình, cái dũng khí của những người lao động ỡ bãi tắm này lớn vô cùng.

dsc07090.jpg
Võ Đình Nhân phải theo dõi nhất cử nhất động diễn biến ở bãi tắm

Giống như Đức, Quỳnh cũng gắn bó với bãi biển khi chỉ là những thanh niên trạc tuổi nhau. “Thời gian đầu, em bị ám ảnh nhiều, ví dụ 4 người bị nạn, cứu được 3, còn 1 người chẳng thể tìm được. Thời điểm đó, em mất ngủ vì ám ảnh, không ăn uống được” – Quỳnh nói. “Cũng có khi cứu được người thì anh em phụ đưa khách vô, em đuối sức chơ vơ giữa biển”, Quỳnh tên thật là Võ Đình Nhân, 36 tuổi, cười hiền lành kể tiếp: “Sau đó, anh em mới giật mình quăng dây đưa em vào”.

Từ năm 2018 đến nay, đội đã cứu mấy chục con người thoát khỏi tử thần. Nhưng trong số ấy rất ít người trở lại. Đức nhớ lại: “Có nhiều vụ em hối tiếc, tụi em cứu được đưa được khách vào bờ nhưng khi chuyển đến bệnh viện cấp cứu thì đã qua đời. Vì thấm lạnh, quá trình đưa đi cấp cứu không có người thân làm ấm, hỗ trợ nên không cứu được. Hay như có lần tham gia vớt được xác, nạn nhân trương phình, không ai dám làm, em mua mấy chục lít rượu làm, thay luôn cái áo vợ mới mua để mặc cho người ta”.

Người cứu đuối, đã từng thoát chết

dsc07085.jpg

Đội cứu đuối giờ chỉ còn 10 thành viên. Vì lớn tuổi, vì cơm áo nhiều người đã không thể bám trụ. “Khi trước thợ chụp hình ở đây nhiều, nhiều khi đang chụp vậy chứ có khách bị nạn là quăng đại máy, cứu người trước đã. Nhiều khi đưa được nạn nhân vào bờ, không ai dám sơ cứu, tụi em cũng phải hô hấp. Nhiều khi thức ăn phun vào mặt, vào người, do khách trước khi tắm ăn uống rất no. Không thể diễn tả nổi”- Võ Đình Nhân chia sẻ. “Cực vậy chứ vui, hồi nhỏ em từng bị đuối nước và được một chú hàng xóm cứu. Chú chỉ em cách đạp nước phụ chú nếu không cả 2 cùng chết. Thoát vụ đó, em tập bơi luôn rồi thành người cứu hộ. Cuộc sống em không khá giả, khi em mới bắt đầu công việc này, vợ, mẹ cũng la em. Nhưng em nói cứ giúp gì thì giúp, giờ họ cũng hết nói luôn”.

dsc07081.jpg
Không có khách thuê đi mô tô nước, Đức lại dạo dọc bờ biển để theo dõi

Vậy đó, trong lúc trò chuyện, gần như giữa chúng tôi khó nhìn được vào nhau, dù ngồi đối diện. Nhưng cả Đức, hay Nhân, ánh mắt đều phải hướng ra bãi biển. Nhiều nhóm khách đã xuống tắm, trẻ em người lớn, say có tỉnh có, trong buổi chiều trời đang có dấu hiệu chuyển mưa. “Đến giờ, em vẫn nhớ nhất trường hợp một cậu bé ở Xuân Lộc, khi em cứu chừng 13 -14 tuổi. Hồi đó tội lắm, mua cho em mấy lon nước, vì học sinh không có tiền. Đến giờ, hai mươi mấy tuổi rồi mà năm nào cũng ra thăm…”.

dsc07089.jpg
du khách ở bãi Tam Tân

Ông Thanh Nhân – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Tiến chia sẻ: “Nhiều anh em trong đội, xuất thân là thợ chụp hình, thợ hồ, đi biển. Họ làm tình nguyện, không nhận lương. Chỉ có điều, trong các anh ai cũng mong có được cái thẻ bảo hiểm tai nạn, ít nhất 7 thành viên trong đội hiện không có bảo hiểm, nhất là bảo hiểm tai nạn, vì rủi ro không biết xảy ra khi nào, nhất là vào dịp hè này. Học sinh thi xong các trường sẽ đưa học sinh đi chơi”. Ông Lê Thanh Nhân chia sẻ thêm: Các anh em thì không có đòi hỏi, nhưng mình hiểu tâm tư đó. Họ túc trực 24/24 ở bãi biển, có trường hợp khách quay lại biếu quà, anh em cũng xin một ít áo phao, dây để hỗ trợ công việc cho đội.

dsc07071.jpg
Thành viên của đội ứng trực quan sát

Từ ngày có thêm mấy chiếc mô tô nước, làm kế sinh nhai của vài thành viên hùn lại, công việc cứu hộ đã “dễ thở” hơn. So với khi thành lập đội cứu hộ tại bãi tắm cộng đồng Ngảnh Tam Tân đến nay, tuy tình trạng đuối nước vẫn còn xảy ra, nhưng đã giảm được số vụ tai nạn đuối nước như trong năm 2020 chỉ xảy ra 1 vụ và từ đầu năm 2021 đến nay thì không xảy ra vụ nào nữa. Nhưng thời điểm này, là đỉnh của năm khi mà mùa du lịch hè, các học sinh được nghỉ hè sẽ được các trường tổ chức tham quan, du lịch, khách thập phương cũng sẽ đến rất đông, nên rủi ro cũng sẽ có. Đặc biệt, bãi tắm Tam Tân có dòng chảy khá đặc biệt nên hay hình thành những dạng ao ngầm rất dễ cuốn người theo. Trách nhiệm của đội cứu hộ mỗi ngày phải nhìn ra những “điểm chết” để cắm cờ cảnh báo, quan sát du khách khi tắm biển không thể rời mắt.

0.jpeg

Rời Tam Tân, tôi nhớ lời chia sẻ chân thành về khát khao có được thẻ bảo hiểm tai nạn, và ám ảnh bởi chính đôi bàn tay của Đức. Đôi tay ấy chai sần, thô ráp bởi những tháng ngày cùng đồng đội mang vác những số phận người dưng trên vai mình. Rồi đôi mắt thâm sâu của Quỳnh cứ nhấp nhỏm đứng lên ngồi xuống khi có vài nhóm khách chực chờ lao xuống biển tắm. Và có một thứ còn ở lại: Tình người.

dsc07068.jpg

“Nhiều năm qua đội tình nguyện đã gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ tạo được niềm tin với địa phương, với du khách. Đội mấy chục con người, mỗi ngành nghề khác nhau, nhưng họ đã gắn bó bằng cái tâm của mình, không mưu cầu điều gì ngoài việc cứu người, mang lại sự sống kịp thời cho khách thập phương. Đây là việc làm đáng trân trọng” - ông Nguyễn Ngọc Tài – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ La Gi, cho biết.

Phóng sự: Quang Nhân