Cần ban hành bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá kinh tế tuần hoàn

Chính trị - Ngày đăng : 20:38, 02/06/2022

BTO-Chiều nay 2/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Tham gia ý kiến, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách và các cơ quan của Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đại biểu Yến cũng nêu rõ những nội dung cần tiếp tục khắc phục liên quan đến thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên nói riêng; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân nói chung.

“Những điểm hạn chế này cũng trùng khớp với nội dung trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Quốc hội về đánh giá tình hình Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2021; trong đó có đánh giá mục tiêu thứ 12 về đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo báo cáo, Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và dự báo là Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu này vào năm 2030 theo cam kết đã ký” – đại biểu Yến nêu rõ.

1.jpg
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến

Theo đại biểu Yến, với việc chuyển đổi và tiếp cận theo mô hình kinh tế sản xuất và tiêu dùng truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn tái sử dụng tài nguyên sẽ giúp các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong nền kinh tế thay đổi từ khâu tư duy, sản xuất, cung ứng dịch vụ nhằm tiết kiệm tài nguyên như tài nguyên đất, tài nguyên nước. Không chỉ vậy, còn loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường do chất thải nhựa hay dư lượng hóa chất độc hại.

Đơn cử, các lợi ích có được từ việc mở rộng diện tích trồng thanh long được tưới bằng phương thức nhỏ giọt, tiết kiệm nước đến không sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp làm phân hữu cơ thay cho phân bón hóa học trong các chuỗi sản xuất và tiêu thụ thanh long hữu cơ tại Bình Thuận.

Chính vì vậy, đại biểu Yến kiến nghị cần xây dựng hành lang pháp lý, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá kinh tế tuần hoàn nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên, giảm thiểu rác thải. Đồng thời, quy định trách nhiệm thu hồi sản phẩm sau sử dụng của doanh nghiệp sản xuất đến việc áp dụng chính sách khuyến khích và hỗ trợ thiết thực khi nông dân canh tác nông nghiệp theo hình thức hữu cơ…

Mặt khác, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi số, kinh tế số và ứng dụng tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tác động vào thái độ và hành vi của mỗi người dân trong việc ưu tiên sản xuất và sử dụng các sản phẩm xanh, hàng hóa xanh, dịch vụ xanh.

Xung quanh 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG), đại biểu Yến cho rằng, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của tổ chức Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế. Hàng năm Việt Nam phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như dự báo khả năng đạt được các mục tiêu này vào năm 2030. Tuy nhiên, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 51/165 nước trong bảng xếp hạng toàn cầu về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tụt 2 bậc so với năm 2020. Từ nay đến năm 2030, thời điểm cam kết hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững không còn nhiều.

Do vậy, đại biểu Yến kiến nghị Quốc hội tại các kỳ họp sắp tới sẽ dành thời gian để Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững trước khi Việt Nam báo cáo lên Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế để Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước cập nhật tình hình. Thông qua đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và đưa ra các quyết định về việc ban hành chính sách pháp luật, thực hiện phân bổ nguồn lực cũng như giám sát quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

T.HÀ