Những ngày ấu thơ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 07:27, 03/06/2022

Ba tôi bảo: Con gái thì không được chơi thả diều. Tất cả chị em tôi đều không được tham gia trò chơi thú vị đó, chỉ có thể nhìn những con diều nhảy múa trên cao mà mơ ước.
tang-qua.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Khi tôi học lớp bốn, môn thủ công có bài tập làm diều. Tôi háo hức bắt tay vào làm một con diều theo hướng dẫn trong sách. Vác dao xuống bụi tre cuối vườn chặt mấy nhánh nhỏ, rồi hý hoáy vót để làm khung diều. Giấy thì len lén xé vở, gấp sát mép để tạo hình vuông và cắt bớt đoạn thừa đi. Phần giấy thừa tôi đem cắt nan dài rồi dán nối lại với nhau thành dải dài làm đuôi diều. Xong phần nguyên liệu là bắt tay vào “thiết kế”. Chật vật lắm mới dán được khung diều, sau đó dán đuôi, chỉ còn phần cột dây nữa thôi. Tôi không có kinh nghiệm nên cột mãi mà vẫn chưa đúng cách, con diều chỉ lạng qua lạng lại vài vòng rồi rớt không thể cất cánh vút lên trời cao được. Thế là lại hì hục nghiên cứu, hì hục cột lại…

Sau bao vất vả cuối cùng con diều cũng bay được lên cao mà tôi vẫn chưa hiểu rằng phải cột dây diều sao cho đúng. Đó có lẽ là một sự ăn may mà thôi. Tuy vậy tôi vẫn hí hửng trước thành quả của mình, lỗ mũi phồng to khi nghe bọn bạn gái trong xóm trầm trồ thán phục. Tôi lén ba nhập bọn cùng lũ con trai đi thả diều mỗi chiều. Dĩ nhiên, chuyện gì rồi cũng sẽ lộ ra không sớm thì muộn, ai có thể giấu mãi được bí mật đâu. Một buổi chiều sau khi đi thả diều về, tôi thấy ba đã ngồi đợi ở hàng ba hút thuốc, bên cạnh là cây roi tre “huyền thoại”. Thôi rồi, mặt tôi tái mét trông thảm thương. Nhưng ba không mảy may đổi sắc mặt cười hay rớt câu vui vẻ gì. Ông nhìn tôi hất hàm chỉ vào hàng ba còn tôi cúi gằm mặt bước vô, nằm xuống. Bữa đó tôi được “ăn cháo lươn” vằn vện từ lưng xuống đít, còn con diều dĩ nhiên bị xé nát quăng ra ngoài sân.

Tôi bỏ cơm nằm khóc suốt cho tới khi mệt lả thiếp đi. Từ đó chị em tôi không đứa nào dám mon men làm diều nữa, chỉ cắt giấy làm búp bê hay nhảy dây, nặn nồi niêu chơi nấu ăn. Mấy trò đó ba biểu là trò chơi của con gái. Nhưng tôi, một đứa tính tình ngổ ngáo như con trai thì không chấp nhận “đóng khung” trong quy định của ba. Tôi len lén nhập bọn cùng lũ con trai trên trường, bắn bi, rượt đuổi, có cả đánh nhau nữa. Ba tôi không biết được những chuyện diễn ra ở trường, ông chỉ xem những bài kiểm tra, hễ có con điểm nào dưới trung bình thì nằm xuống và ăn “cháo lươn” nha con. Tôi làm biếng học nhưng ngán cây roi tre nên cũng ráng nhét chữ vào đầu vừa đủ để trên điểm 5. Lâu lâu cố gắng được điểm 10 chỉ để lãnh tiền thưởng của mẹ và thưởng thức vị kem mát lạnh.

Tôi đã trải qua thời ấu thơ với bao trò nghịch ngợm “phá làng phá xóm” trộm xoài, trộm ổi, trộm me, đánh nhau và tập xe đạp 1 tay. Tay chân chi chít thẹo, tóc khét nắng và da đen hơn cột nhà cháy. Mẹ chỉ biết lắc đầu: Con gái gì mà lì y con trai. Mẹ tôi hiền, suốt ngày cắm mặt làm việc ít khi nào để ý la mắng thúc ép con học hành. Học được nhiêu học. Mà, mẹ chỉ học tới lớp 2, vừa đủ biết viết biết đọc, có muốn kèm chúng tôi học cũng khó. Mẹ chỉ rủ rỉ một câu: Muốn sau này sướng thì học, còn muốn khổ như mẹ bây giờ thì cứ chơi đi. Tôi chẳng để tâm câu nói đó cho lắm, tới khi dậy thì trổ mả ra con gái, để tóc thề, mặc áo dài mới thôi quậy phá chú tâm vào học, mới thấy thương mẹ vất vả ngược xuôi lo cho chị em tôi ăn học.

Khi đã thành mẹ tôi mới hiểu hết nỗi lòng của mẹ ngày đó. Tôi cũng đốc thúc kèm cặp con học để mong sau này tụi nhỏ bớt khổ, nhàn nhã tấm thân. Tuy vậy tôi không cấm đoán như ba hồi xưa, con muốn chơi gì cũng được, thả diều càng tốt. Chồng tôi làm một con diều cho hai đứa nhỏ thả vào mỗi kỳ nghỉ hè. Tụi nhỏ hào hứng chạy trên ruộng, hòa với lũ nhóc trong xóm la hét, đùa giỡn. Tôi nhìn hai đứa nhỏ lại nhớ ngày ấu thơ, nhớ những bữa “cháo lươn” của ba rồi cười. Có lẽ ba tôi chỉ muốn tốt cho chị em tôi mới nghiêm khắc vậy. Mỗi thời một cách dạy con khác nhau. Tôi không đánh con, giận quá chỉ mắng vài câu. Đã trải qua thời ấu thơ bị cấm cản đủ điều nên tôi hiểu ham muốn được chơi, được coi ti vi của con. Cứ hè tới khi chuyện học hành đã xong, tụi nhỏ sẽ được chơi theo ý thích, vẽ vời, thả diều, chơi đồ hàng… gì cũng được. Đôi lần thấy chồng cồng kênh con gái trên vai tôi bật cười hạnh phúc, ba mẹ cũng là người bạn của con, đâu cần phải xa cách, nghiêm khắc làm cho con sợ mới dạy được con. Chơi với con cũng là một cách để dạy con biết yêu thương gia đình, biết ba mẹ thương con đến chừng nào và sẽ ngoan ngoãn nghe lời chỉ bảo của cha mẹ thay vì cãi lại.

Tôi cấm hai đứa nhỏ chơi “đồ chơi công nghệ” vì muốn tuổi thơ con được trải nghiệm những trò vận động, “quậy phá” vui vẻ chứ không phải suốt ngày cắm đầu vào điện thoại, ipad. Sau này lớn lên, già đi, chúng sẽ nhớ về ấu thơ và mỉm cười không tiếc nuối.

Ngân Ngân