Cần có sự chia sẻ với các địa phương có tài nguyên dầu khí

Chính trị - Ngày đăng : 08:47, 04/06/2022

BTO- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 3/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
1.jpg
ĐBQH tỉnh Lê Quang Huy thảo luận dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Thảo luận dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Lê Quang Huy cho rằng, đa số các đại biểu đều quan tâm về điều tra cơ bản dầu khí, nhất là dữ liệu liên quan việc thăm dò, điều tra cơ bản, khảo sát các nguồn, trữ lượng dầu mỏ. Do đó, đại biểu Huy đề nghị cần ràng buộc kỹ lưỡng đối với quy định về dữ liệu này, đồng thời xem như đây là dữ liệu cấp quốc gia và có quy định về quản lý thông tin. Mặt khác, đại biểu Huy cũng nhấn mạnh cần quan tâm cân nhắc kỹ lưỡng đến các quy định về bảo vệ môi trường khi điều tra, khai thác dầu khí. Theo đó, cần phải có quy định cụ thể, gắn với Luật bảo vệ môi trường liên quan về khai thác dầu khí.

2.jpg
Nguyễn Hữu Thông thảo luận dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, phạm vi của Luật Dầu khí không được phổ quát. “Các đại biểu đọc vào dự thảo luật thấy những nội dung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rất nhiều, không thấy thể hiện rõ vai trò của Chính phủ và Bộ Công thương trong vấn đề quản lý nhà nước về dầu khí. Đề nghị Bộ Công thương, Chính phủ cũng có giải trình cụ thể hơn để khi ban hành Luật, tránh để người dân hiểu lầm là Luật của PVN” – đại biểu Thông đề nghị.

Bên cạnh đó, qua báo cáo của Chính phủ cũng như Bộ Công thương, từ khi Luật Dầu khí ban hành năm 1993 đến nay đã có 108 hợp đồng. Hiện nay có 51 hợp đồng còn hiệu lực; 57 hợp đồng hết hiệu lực, trong đó có hợp đồng đã khai thác xong nhưng cũng có hợp đồng bị huỷ. Đại biểu Thông băn khoăn đến vấn đề huỷ hợp đồng, vấn đề bồi thường sẽ như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai? Đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương phải có báo cáo giải trình rõ nội dung này.

Mặt khác, trong cách tiếp cận của Luật Dầu khí, đại biểu Thông yêu cầu cần có sự chia sẻ với các địa phương có tài nguyên dầu khí. Đối với Bình Thuận, hiện nay có 4 mỏ đang khai thác là Thăng Long - Đông Đô, Hồng Ngọc, Sư tử vàng, Sư tử đen. Theo đại biểu Thông, việc khai thác dầu mỏ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất của ngư dân, đặc biệt là có vùng cấm khai thác. Trong thăm dò khai thác cũng có câu chuyện gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, hiện nay Bình Thuận không thu được ngân sách đối với nguồn thu dầu khí. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần chia sẻ với các địa phương có tài nguyên dầu khí, có thể trích % trong khai thác tài nguyên dầu khí để đưa về cho các địa phương đầu tư công trình phúc lợi xã hội để bù đắp cho người dân, ngư dân đánh bắt ở các địa phương có dầu khí. Như thế mới đảm bảo lợi ích giữa Trung ương và địa phương.

Góp ý Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tần số vô tuyến điện, theo đại biểu Huy, hiện nay, các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm đó là việc sóng vô tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu về nội dung này rất kỹ lưỡng. Do đó, đại biểu Huy đề nghị dự thảo Luật cần có những giải trình, giải thích từ ngữ phù hợp. Đại biểu Huy cũng nhấn mạnh cần phải cân nhắc đối với việc sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh và mục đích kinh doanh phục vụ xã hội. Bên cạnh đó, đại biểu Huy cũng đề nghị Chính phủ không quy định cụ thể việc cấp phép cụ thể các băng tần số, đồng thời yêu cầu Chính phủ cần làm rõ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

T.HÀ