Nông dân gặp nhiều khó khăn khi xăng tăng giá

Kinh tế - Ngày đăng : 11:07, 05/06/2022

Xăng đã tăng lên hơn 32.000 đồng/lít, đạt mức cao kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định giá xăng vẫn còn biến động hoặc tăng hoặc giảm khó xác định. Vấn đề xác định được rõ nét nhất là khi giá xăng tăng kéo theo hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá theo.

Nhiều ngành sản xuất bị ảnh hưởng do giá xăng tăng, trong đó người nông dân gặp nhiều khó khăn vì “đầu ra” nông sản không tăng…

img_20201001_080100.jpg
Trồng ớt xuất khẩu ở xã La Ngâu, Tánh Linh

Giá phân bón vừa qua tăng gần 1,5 lần so với năm 2020 nhưng giá lúa không tăng đã khiến nông dân gặp không ít khó khăn. Vụ đông xuân 2021 – 2022 nhờ thời tiết thuận lợi, lúa được mùa nhưng nông dân chỉ lãi bằng ½ so với năm trước bởi do giá phân tăng. Tuy nhiên, vụ hè thu và vụ mùa năm nay người trồng lúa rất lo lắng bởi thời tiết không thuận lợi, gieo sạ gặp mưa lớn gây lụt lúa chết phải gieo lại, hay khi lúa trong giai đoạn “cúi” và gần chín gặp lốc xoáy hoặc bão lúa ngã thì nông dân cầm chắc phần lỗ. Anh Nguyễn Văn Lực ở xã Mé Pu, Đức Linh tâm sự: Nhà tôi có gần 3 ha, thuê dài hạn thêm 2 ha để làm lúa 3 vụ. Thường làm lúa “ngon” nhất là vụ đông xuân, lúa vừa được mùa được giá nên mỗi ha lãi từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Nhưng ở 2 vụ hè thu và vụ mùa nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ lấy công làm lời, bởi 2 vụ này thời tiết bất thường, có năm thì nắng hạn kéo dài, có năm thì mưa nhiều gây ngập úng, rồi đến khi thu hoạch gặp mưa phải bán giá thấp nên không lỗ là mừng. Đó là chuyện của những năm trước, còn năm nay hầu như làm lúa mà…run. Bởi giá xăng tăng kéo theo hàng loạt vật tư phục vụ nông nghiệp tăng trong khi thời tiết đang diễn biến bất lợi cho người làm lúa. Mới vào đầu vụ mà nhiều nơi lúa đã bị ngập úng…Theo anh Lực, lượng mưa năm nay nhiều và khác hẳn những năm trước, mới đầu tháng sáu mà nước đã “trắng đồng” nên nhiều ruộng lúa của dân phải gieo sạ lại, chưa biết thời gian tới khi lúa chín nếu ngập như hiện nay thì nông dân chắc chắn bị lỗ nặng…

Xăng tăng giá khiến người đi làm thuê cạo mủ cao su cũng phải tốn thêm chi phí không chỉ thêm tiền xăng mà ngay cả điều đơn giản nhất là ăn gói mì tôm buổi sáng cũng bị tăng giá gần 20%. Anh Nguyễn Cường ở xã Đức Thuận nhận cạo thuê 2 ha cao su ở xã Gia Huynh nói trong chua chát: Cạo mủ phải đi vào 10 giờ đêm, cạo xong 3 – 4 giờ sáng phải đi thêm một lượt trút mủ, tiết kiệm hết sức ngày mới kiếm được 200 ngàn đồng nhưng giờ xăng lên phải tốn thêm tiền xăng nên khó càng khó hơn… Ở một góc độ khác, những người buôn bán trái cây cũng than trời vì xăng tăng giá nên phải tăng giá thành sản phẩm bán ra để bù chi phí tiền xăng. Chị Nguyễn Thị Nga là người mua trái cây ở vùng Đa Mi ( Hàm Thuận Bắc) và Tà Pứa ( Đức Linh, Tánh Linh) cho biết: Đang vào mùa trái cây, ở Hàm Thuận Bắc kéo dài lên Đức Linh trái sầu riêng đã tạo được thương hiệu trên thị trường nhưng năm nay cả người trồng và người buôn bán phải gồng mình chịu giá thấp hơn mọi năm để bù cho…giá xăng. Tất nhiên người bị thiệt thòi nhất vẫn là nông dân.

Giá xăng tăng, kèm theo hàng loạt mặt hàng nhu yếu phẩm tăng theo trong khi sản phẩm nông nghiệp thì “chập chờn” không được tăng mà có xu hướng giảm nên nông dân mong chờ Chính phủ có quyết sách bình ổn giá xăng kịp thời và bình ổn thị trường để giảm gánh nặng cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa…

Nhị Thiên.