Các Khu công nghiệp Bình Thuận: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, ổn định sản xuất - kinh doanh

Kinh tế - Ngày đăng : 05:20, 06/06/2022

Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Bình Thuận cho biết dù điều kiện còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song công tác xúc tiến đầu tư và hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn đạt kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2022…

Triển khai công tác xúc tiến đầu tư, năm nay Ban Quản lý các KCN Bình Thuận chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động kêu gọi đầu tư theo chức năng của mình. Nổi bật là đã phối hợp Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), làm việc với Hiệp hội thương mại Đài Loan nhằm kết nối phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó còn tiếp xúc hàng loạt nhà đầu tư tiềm năng hướng tới thu hút dự án thứ cấp vào các KCN tại Bình Thuận trong thời gian tới. Có thể kể đến: Công ty TNHH Goshu Kohsan Việt Nam, Công ty TNHH Fu Yuan International Holdings, Công ty TNHH Xây dựng Trung Quốc (sản xuất cánh quạt điện gió), Công ty TNHH May Mặc Alliance One, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư New City, Công ty cổ phần Thiết bị điện Phước Thạnh… Đây được xem là tiền đề để địa phương và đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường mối quan hệ, kết nối mời gọi nhà đầu tư quyết định triển khai dự án sản xuất - kinh doanh tại các KCN của tỉnh.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tại các KCN. Ảnh minh họa

Đến nay, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cũng đã điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án: Sản xuất các sản phẩm từ giấy (Công ty TNHH Nakagawa MFG Việt Nam), Nhà máy nghiền Zircon siêu mịn Sông Bình (Công ty cổ phần Khoáng sản Sông Bình). Đồng thời chấp thuận điều chỉnh Báo cáo thực hiện dự án đầu tư nhà xưởng, kho bãi cho thuê (Công ty cổ phần gạch Tuynel Phan Thiết)… Ngoài ra công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc triển khai xây dựng đối với dự án sau khi cấp phép đầu tư và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong các KCN luôn được quan tâm thực hiện.

Cũng trong nửa đầu năm 2022, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tại các KCN tương đối ổn định, có một số trường hợp hoạt động trên lĩnh vực chế biến thủy sản, gỗ, da giày tăng công suất, tuyển dụng thêm lao động. Riêng doanh nghiệp xuất khẩu thanh long và sản xuất thùng giấy carton để đựng trái thanh long có mức tăng trưởng chậm, nguyên nhân do tác động của dịch Covid - 19 khiến hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc gặp khó... Dù vậy, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm nay thể hiện qua 3 chỉ tiêu cơ bản đều tăng khá cao so cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Doanh thu của doanh nghiệp khoảng 3.650 tỷ đồng (tăng 45,4%), kim ngạch xuất khẩu ước đạt 105 triệu USD (tăng 47%), nộp ngân sách 55 tỷ đồng (tăng 32,5%).

Bước vào nửa cuối năm nay, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh để kịp thời chỉ đạo doanh nghiệp triển khai giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục phối hợp sở ngành, địa phương thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của di5ch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Tiếp đó sẽ phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương nhằm tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư có liên quan theo Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022…

QUỐC TÍN