“Đã uống rượu, bia - không lái xe”

Pháp luật - Ngày đăng : 05:31, 06/06/2022

Những ngày này, nhiều người bày tỏ thương xót trước sự ra đi vĩnh viễn vì tai nạn giao thông (TNGT) của 3 người trong một gia đình ở tỉnh Bắc Giang. Xót thương cho gia đình nạn nhân bao nhiêu thì bức xúc trước hành vi của tài xế gây tai nạn bấy nhiêu.

Hậu quả không lường

Lúc 23h30 ngày 2/6, tài xế Nguyễn Đức Thịnh (35 tuổi, ngụ TP. Bắc Giang, điều khiển xe ô tô Audi. Khi qua ngã tư ở phường Ngô Quyền, TP. Bắc Giang), chiếc Audi đã tông mạnh vào xe máy do anh N.V.H (48 tuổi) điều khiển, chở theo vợ là D.T.Q (44 tuổi) và con gái N.T.D (13 tuổi). Cú tông khiến xe máy bị hất tung lên cao, 3 người trên xe máy tử vong tại chỗ. Kết quả kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn trong hơi thở Nguyễn Đức Thịnh là 0,604 mg/lít. Với nồng độ cồn 0,604 mg/lít khí thở, đây là mức vi phạm rất nặng.

img_20210820_193911.jpg
Cảnh sát giao thông chốt chặn, kiểm tra người và phương tiện để đảm bảo an toàn giao thông.

Có thể thấy, thiệt hại trong vụ án này là quá lớn. Không thể nói hết đau thương của gia đình nạn nhân lúc này. Cả nhà 4 người, trong phút chốc chỉ còn lại 1, vì lỗi của người mà họ chẳng hề quen biết. Ai cũng có lý do cho mỗi cuộc nhậu, nhưng vì một lúc ham vui, vì vài ba chén rượu để rồi tước đi sinh mạng của người khác là điều không thể chấp nhận được. Chắc chắn ở phòng tạm giam, Nguyễn Đức Thịnh đang hối hận vì hành vi của mình đã gây tai họa cho người khác, cho bản thân và gia đình mình... nhưng tất cả đã muộn màng. Vì thế, “đã uống rượu, bia -không lái xe”.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm cả nước xảy ra hàng ngàn vụ TNGT. Riêng năm 2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ, làm 5.799 người chết, 8.081 người bị thương. Đáng lưu ý, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn có xu hướng tăng và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bình Thuận trong năm 2021 đã xảy ra 259 vụ TNGT, làm chết 154 người, bị thương 158 người. Dù các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường tuần tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn phổ biến. Rất nhiều người có thói quen nhậu say vẫn tự điều khiển ô tô, xe máy về nhà, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra đối với mình và người khác.

Xử lý nghiêm lái xe có nồng độ cồn

Tại hội thảo giải pháp nâng cao an toàn giao thông đường bộ Việt Nam sáng 31/5, nhiều ý kiến đề xuất sửa Luật Hình sự theo hướng phạt tù lái xe sử dụng rượu, bia dù chưa gây hậu quả. Tiến sĩ Lê Thu Huyền (Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, hiện nay số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia ở Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn, trung bình khoảng 36% tổng số vụ, trong khi tỷ lệ trên thế giới là 11 - 25%. Để tăng mức răn đe, Tiến sĩ Lê Thu Huyền đề nghị trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc thi lại giấy phép lái xe, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, tạm giữ xe... Nếu lái xe có nồng độ cồn cao hơn 240 mg/100 ml máu thì có thể bị phạt tù. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức thông tin: Các nước phát triển trên thế giới đều có lộ trình xử lý người vi phạm nồng độ cồn gây mất an toàn giao thông, trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự.

image65.jpg
image66.jpg
Đo nồng độ cồn. (Ảnh tư liệu)

Ngay sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Bắc Giang, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu xử lý nghiêm tất cả trường hợp uống rượu, bia vẫn lái xe. “Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan phải chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe; có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm. Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy...”.

TẤN THÀNH