Vận hành kỹ thuật chạy thận nhân tạo đầu tiên tại Hàm Tân
Đời sống - Ngày đăng : 05:59, 06/06/2022
Ngay khi Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân đưa vào sử dụng 3 máy chạy thận nhân tạo, ông Nguyễn Hữu Bích ở thôn Đá Mài, xã Tân Xuân - người phải chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần, vui mừng hơn hết. Ông Bích cho biết, trước đây ông phải đến Bệnh viện tuyến tỉnh hoặc vào TP. Hồ Chí Minh để chạy thận nhân tạo. Mỗi tháng tằn tiện, ông cũng tiêu khoảng 2 triệu đồng tiền phí đi lại, ăn uống. Nay có hệ thống máy chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện, quãng đường từ nhà ông tới nơi chạy thận được rút ngắn chỉ còn hơn 10 km. “Chi phí cho căn bệnh mà tôi không may mắc phải ít đi rất nhiều, giảm bớt gánh nặng tài chính và thời gian cho bản thân và gia đình”, ông Bích chia sẻ thêm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Việc đưa vào vận hành máy chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân là kết quả chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trung tâm Y tế huyện sau một thời gian dài. Trước đó, Trung tâm Y tế huyện đã cử đi đào tạo 7 cán bộ chuyên môn, trong đó có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng và hộ lý và 1 cán bộ kỹ thuật để đào tạo về kỹ thuật, cách xử lý nước trong chạy thận nhân tạo RO.
Theo thống kê đến thời điểm này có hơn 20 bệnh nhân trên địa bàn huyện mắc bệnh suy thận mạn tính đang phải lọc máu ở các bệnh viện tuyến trên. Hiện tại, do chỉ mới đưa vào vận hành chính thức 3 máy chạy thận nhân tạo nên bước đầu trung tâm chỉ tiếp nhận đều trị khoảng 12 bệnh nhân. Trung bình, mỗi bệnh nhân phải thực hiện chạy thận từ 2 - 3 lần/ tuần, mỗi lần chạy từ 3 - 4 tiếng. Với tần suất điều trị tương đối lớn như vậy, việc có thể điều trị ngay tại địa phương đã đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh.
Việc đưa máy chạy thận nhân tạo vào hoạt động tại Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân đã mang lại niềm hy vọng cho những người bệnh suy thận tại địa phương; đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa phải điều trị bệnh lâu dài. Hiện tại dù máy chạy thận nhân tạo chỉ đáp ứng được một số lượng bệnh nhân nhất định nhưng các y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện đã rất nỗ lực nhằm duy trì cuộc sống khỏe mạnh của những bệnh nhân bị suy thận. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục được tiếp nhận máy chạy thận nhân tạo, giúp những bệnh nhân suy thận có thêm niềm tin, niềm hy vọng.