Nghị quyết 68 - Người lao động mong sớm được hưởng quyền lợi. Bài 1.
Xã hội - Ngày đăng : 05:16, 07/06/2022
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Nghị quyết số 68 về hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được xem là giải pháp thiết thực của Chính phủ tạo điều kiện cho các cơ sở phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống người dân. Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần kịp thời gỡ vướng, gia hạn thời gian nhận hồ sơ cũng như khẩn trương chi trả cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đưa nhanh nghị quyết vào cuộc sống.
Dân mong chờ tiền hỗ trợ
Dịch Covid-19 kéo dài khiến cuộc sống của người nghèo, lao động tự do càng thêm khó khăn, vất vả. Tác động của dịch Covid-19 thể hiện rõ hơn trên đôi mắt đượm buồn của hết thảy những người mà tôi gặp để tìm hiểu về cuộc sống của họ. Bà Nguyễn Thị Dưỡng – khu phố 6, phường Phú Tài có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chồng mất, bà Dưỡng hiện nay sống cùng với đứa con gái cũng không có công ăn việc làm ổn định nên theo mẹ làm thuê hoặc đi phụ hồ. Bà Dưỡng tâm sự, trước khi dịch bệnh bùng phát, bà vừa làm thanh long theo thời vụ vừa xẻ sò, làm cá, mực thuê ở Cảng cá Phan Thiết. Công việc luôn tay luôn chân ai thuê gì làm đó nên thu nhập mỗi tháng của bà cũng tạm đủ chi tiêu trong gia đình. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát rồi thực hiện giãn cách xã hội, khoản tiền tích cóp của 2 mẹ con bà mấy năm nay đã xài hết. Bây giờ cuộc sống dần trở lại bình thường nhưng thanh long xuống giá không ai thuê làm, xăng dầu thì ngày càng tăng cao ngư dân không đi biển nên mẹ con bà cũng không có việc gì để làm. “Nằm trong diện được thụ hưởng chính sách của Nhà nước từ Nghị quyết 68, tôi thấy đây là “món quà” vô cùng quý giá giúp mẹ con tôi vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, dịch đã qua nhưng tiền hỗ trợ thì giờ tôi vẫn chưa nhận được. Tôi mong Nhà nước quan tâm, sớm hỗ trợ để chúng tôi vượt qua khó khăn trước mắt” – bà Dưỡng bộc bạch.
Không riêng bà Dưỡng, hàng chục ngàn lao động tự do trên địa bàn TP. Phan Thiết đang có cuộc sống chật vật, nếu được hỗ trợ từ Nhà nước, Chính phủ là một điều rất đáng quý lúc này. Bà Nguyễn Thị Tâm ở phường Phú Tài đã ngoài 60 tuổi, nhiều năm nay bà bám trụ với công việc bán vé số dạo, nhưng chưa bao giờ bà thấy khó khăn như thời gian này. Không mong muốn gì nhiều, bà Tâm chỉ ước một ngày bán được khoảng 100 tờ vé số kiếm được khoảng 90.000 đồng để trang trải cuộc sống. Bởi lẽ có nhiều hôm bà không bán được hết vé số phải trả lại công ty thì thu nhập cũng chỉ được 50.000 đồng. “Dịch bệnh ai cũng gặp khó khăn nên sức mua giảm. Công việc bán vé số của tôi cũng giảm khoảng 50% so với lúc chưa có dịch. Gia đình tôi cố gắng giảm chi tiêu xuống mức thấp nhất nhưng vẫn rất khó khăn để cân đối chi tiêu trong gia đình. Từ tháng 12/2021, tôi cũng đã làm hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 68. Nhưng đã nửa năm trôi qua, tôi vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Bây giờ cuộc sống khó khăn quá, tôi chỉ mong Nhà nước quan tâm nhanh chóng hỗ trợ để tôi trang trải cuộc sống” – bà Tâm chia sẻ.
Vì sao tồn hơn 47.000 hồ sơ?
Triển khai Nghị quyết 68, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Phan Thiết gặp rất nhiều khó khăn bởi khối lượng công việc nhiều, trong khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ chống dịch vừa đảm bảo công tác chuyên môn định kỳ, vừa phải tiến hành hướng dẫn, thẩm định theo từng cấp. Trong năm 2021, TP. Phan Thiết đã thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hơn 41.000 đối tượng, số tiền trên 81,5 tỷ đồng. Năm 2022, thành phố còn 47.607 hồ sơ đang đề nghị gia hạn thời gian thẩm định, trong đó có hơn 30.000 hồ sơ lao động tự do, còn lại là hồ sơ F1, F0 tại nhà.
Trao đổi về nguyên nhân hồ sơ tồn đọng nhiều, bà Trần Ngọc Đài Trang – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Phan Thiết cho biết: Do tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp nên nhóm đối tượng thuộc diện được hỗ trợ phát sinh tăng rất nhiều so với số lượng hồ sơ dự kiến ban đầu. Đến tháng 2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong ký ban hành Quyết định 341 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2108 quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Thực hiện Quyết định 341, TP. Phan Thiết có khoảng 26.000 hồ sơ lao động tự do thuộc diện được hỗ trợ. Tuy nhiên, trước đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 815 ngày 18/3/2022, phấn đấu rà soát, thẩm định số hồ sơ tồn đọng và hồ sơ mới tiếp nhận hoàn thành trước ngày 31/3/2022.
Thời gian thẩm định số hồ sơ tồn đọng và hồ sơ mới chỉ trong vòng hơn 1 tháng, trong khi đó số đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và các quyết định của UBND tỉnh rất lớn, nhưng đội ngũ cán bộ tham mưu giải quyết hồ sơ từ thành phố đến phường, xã rất ít. TP. Phan Thiết chỉ có 6 biên chế, còn các phường, xã chỉ có 1 công chức thương binh - xã hội kiêm luôn công tác văn hóa thông tin và một số nhiệm vụ khác nên rất khó khăn trong việc tham mưu. Đặc biệt, đối với phường, xã trong thời gian đó tập trung cho công tác phòng chống dịch nên cũng ảnh hưởng đến việc tổng hợp hồ sơ của đối tượng. Mặc dù, phòng đã rất cố gắng làm thêm ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ vẫn không thể đảm bảo tiến độ theo quy định. Mặt khác, những đối tượng khác thuộc diện hỗ trợ của thành phố cũng rất nhiều. Năm 2021, Phan Thiết đã chi hỗ trợ cho hơn 41.200 đối tượng với số tiền 81,5 tỷ đồng, chiếm hơn 50% số liệu toàn tỉnh trong khi cán bộ tham mưu cũng giống như các huyện.
“Trước tình hình đó, phòng đã đề xuất UBND thành phố biệt phái cán bộ lao động, thương binh - xã hội của 18 phường, xã để hỗ trợ cho phòng thẩm định chéo hồ sơ lao động tự do. Về phía phòng sẽ tăng cường làm việc ngoài giờ để tham mưu UBND thành phố thẩm định hồ sơ và tham mưu tờ trình khi có chủ trương tiếp nhận lại hồ sơ của tỉnh sẽ trình UBND tỉnh để phê duyệt. Theo số hồ sơ này cũng như khả năng của phòng sẽ cố gắng hoàn thành cuối tháng 6. Phòng cũng tham mưu UBND thành phố kiến nghị tỉnh sớm có chủ trương tiếp tục tiếp nhận hồ sơ của Phan Thiết để hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do. Đồng thời, sớm cấp bổ sung kinh phí để thành phố triển khai thực hiện chi trả vì hiện nay Phan Thiết còn 9.000 người lao động đã có quyết định phê duyệt nhưng không có kinh phí chi trả” – bà Trang cho biết thêm.
Năm 2022, dự kiến đối tượng thuộc diện hỗ trợ của Phan Thiết là 68.167 người, số tiền 97,3 tỷ đồng. UBND thành phố đã thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 20.560 đối tượng, số tiền 31,2 tỷ đồng; trong đó đã chi hỗ trợ cho 11.410 đối tượng với số tiền hơn 15,5 tỷ đồng, còn 9.150 người lao động đã có quyết định nhưng chưa có kinh phí hỗ trợ. Hiện nay, thành phố còn 47.607 hồ sơ đang tiếp tục đề nghị gia hạn thời gian thẩm định, trong đó có hơn 24.000 hồ sơ lao động tự do theo Quyết định số 341 của UBND tỉnh; 6.000 lao động tự do theo Quyết định số 2108, còn lại là hồ sơ F1, F0 tại nhà.