Cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đồng ruộng

Đời sống - Ngày đăng : 16:09, 31/05/2022

Thời gian qua, các địa phương của huyện Tánh Linh đã quan tâm thực hiện khá tốt việc bảo vệ môi trường đồng ruộng trong xây dựng nông thôn mới. Các mô hình xây dựng cống bi để tập kết bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã phần nào phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng và sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bị vứt bỏ ở các kênh, mương chưa được thu gom, xử lý.

Chỉ một vài cơn mưa đầu mùa nhưng tại một con mương nhỏ thuộc cánh đồng thôn 3, xã Đức Bình đầy ắp vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Thời điểm này, bà con nông dân vừa hoàn thành xuống giống vụ hè thu năm 2022. Trên cánh đồng nhiều nông dân đang phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, phun thuốc diệt mầm cỏ, thuốc trị ốc bươu vàng phá lúa… do đó một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên đồng ruộng, có hộ sử dụng nhiều loại thuốc trên cùng một đơn vị diện tích. Các loại thuốc này đa số đều độc hại. Trên nhãn mác, nhà sản xuất khuyến cáo người sử dụng mang khẩu trang, áo quần bảo hộ để an toàn, tránh bị ngộ độc và nhất là phải chú ý thu gom và xử lý bao bì, chai đựng thuốc. Có thể thấy nhiều nông dân đã rất có ý thức trong việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi sử dụng, họ bỏ vào các cống bi chứa rác. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người sau khi sử dụng xong vứt ngay tại chỗ. Vì vậy, sau khi có nước lớn, các bao bì, chai lọ này theo dòng nước quy tụ về các mương, kênh thủy lợi, điều này hết sức nguy hiểm vì các loại chất độc phát tán rộng hơn theo dòng chảy.

31-5-bao-bi-thuoc-bvtv.jpg
Vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi sau những cơn mưa

Có lẽ không ai không hiểu rác thải loại bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật rất khó tiêu hủy trong môi trường tự nhiên, phải mất đến hàng chục năm; còn khi tiêu hủy bằng cách đốt, các loại rác này sản sinh ra các loại chất độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, số hóa chất tồn đọng trong những bao bì, chai lọ sau khi phun nếu không được thu gom cẩn thận sẽ là nguyên nhân gây ngộ độc cho con người, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Theo ông Đinh Thanh Huy, Chủ tịch Hội Nộng dân xã Đức Bình cho biết: Năm 2021, Hội đã vận động xây dựng mô hình thu gom thuốc bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng với 18 cống bi được bố trí tại hầu hết các cánh đồng ở 4 thôn của xã. Định kỳ từ 1 – 2 vụ sản xuất lúa, Hội lại tiến hành đốt các rác thải tập kết tại các cống bi. Đa số bà con nông dân sau khi sử dụng xong đều thu gom về các cống bi này. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân xem nhẹ tác hại của thuốc, tiện đâu vứt đó dẫn đến chai lọ vẫn còn trôi nổi nhiều trên kênh mương thủy lợi. Tới đây, Hội sẽ vận động thu gom về nơi quy định để xử lý.

Không chỉ ở xã Đức Bình mà nhiều kênh mương ở các địa phương khác tình trạng chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vẫn nhan nhản, mặc dù ở các địa phương này đều có mô hình cống bi để bà con tập kết bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Thực tế cũng có những cống bi đã đầy ắp rác thải nhưng chưa được xử lý, nên khi có mưa lũ, số rác này lại được phát tán theo dòng nước.

Huyện Tánh Linh có tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 23.000 ha, sản xuất từ 2 – 3 vụ/năm. Huyện đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có giá trị, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường đồng ruộng. Do vậy cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các xã, thị trấn trong công tác tuyên truyền cho người nông dân biết cách xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, an toàn trong canh tác nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người và góp phần bảo vệ môi trường.

Ngọc Khánh