Người lao động “ngóng chờ” lương tăng
Đời sống - Ngày đăng : 05:51, 08/06/2022
Quy định mỗi năm lương tối thiểu vùng sẽ được tăng 1 lần. Thế nhưng, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, người lao động không được tăng lương. 2 năm không tăng lương, đời sống cũng như thu nhập của rất nhiều người lao động đang rất khó khăn.
Theo điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, thì có khoảng 5% công nhân được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt, cá (chỉ 1-2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng có ăn (3 lần/tuần); 41% cho biết chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền... Thu nhập bình quân của công nhân, lao động quý III/2021 còn thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Từ thực tế trên, sau 2 phiên họp, Hội đồng Tiền lương quốc gia "chốt" đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 với mức tăng 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định sau gần 2 năm trễ hẹn với người lao động. Đây là quyết định có ý nghĩa chính trị to lớn trong việc chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trước thông tin trên, người lao động rất vui mừng vì việc tăng lương trong tháng 7 tới rất quan trọng vì có thêm nguồn thu nhập để thích ứng với cơn “bão giá” hiện nay.
Hai vợ chồng chị Trần Thị Lan từ Tánh Linh xuống Khu công nghiệp Phan Thiết để làm công nhân may hơn 6 năm nay. Hàng tháng, thu nhập của vợ chồng chị được hơn 12 triệu đồng. Mặc dù đã chắt bóp trong chi tiêu nhưng vẫn không đảm bảo cho cuộc sống của 4 thành viên trong gia đình. “Tiền đóng học phí của 2 đứa nhỏ đã hơn 2 triệu đồng/tháng, rồi tiền thuê nhà trọ, tiền điện, tiền nước, cộng thêm tiền chi tiêu hàng ngày và các khoản phát sinh khác cũng khiến cho gia đình tôi chóng mặt. Nay giá cả lại tăng cao, chẳng hạn như giá xăng tăng cũng khiến tôi phải tính toán chi li hơn. Do đó, gia đình tôi rất trông chờ vào việc tăng lương tối thiểu vùng sớm” – chị Lan chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Nam, làm việc tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 cho hay, nếu mức lương tối thiểu tăng 6%, thì anh sẽ được doanh nghiệp trả thêm mỗi tháng 200.000 đồng. Mặc dù không nhiều nhưng tôi như được tiếp thêm động lực, cảm nhận rõ người lao động luôn được tổ chức công đoàn, Chính phủ quan tâm. Tôi chỉ mong Chính phủ đồng ý mức đề xuất trên và doanh nghiệp sẽ áp dụng sớm để những người lao động khó khăn giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống. Có thể nói, hơn lúc nào hết, thời điểm hiện tại cần thiết phải tăng lương để giúp người lao động ổn định cuộc sống, từ đó yên tâm gắn bó sản xuất.
Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định thống nhất phương án tăng 6% trình Thủ tướng Chính phủ quyết định từ ngày 1/7/2022, tùy thuộc từng vùng. Cụ thể: Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng; Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng; Vùng 3 tăng 240.000 đồng, từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng và Vùng 4 tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.