Liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ: Giảm nỗi lo “đầu ra” của nông nghiệp Tánh Linh

Kinh tế - Ngày đăng : 09:19, 28/02/2018

BT- Tánh Linh là huyện miền núi có dòng sông La Ngà chảy qua và hồ Biểnlạc rộng lớn với diện tích hơn 1.000 m2. Đây là lợi thế để phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển nuôi trồng thủy sản. Gần đây, lĩnh vực này đang được phát triển theo hướng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, mang lại lợi nhuận và bình ổn đầu ra cho nông sản.
                
   Nuôi cá thát lát.

Bước đầu khó khăn

Trên địa bàn Tánh Linh, những năm gần đây Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt như: mô hình nuôi cá ruộng, nuôi cá rô đồng, nuôi cá thát lát trong ao ở xã Nghị Đức… Các mô hình bước đầu có thành công nhưng khả năng nhân rộng chưa cao, một mặt do người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư vào đối tượng nuôi. Hơn nữa, do khó khăn đầu ra sản phẩm nên các mô hình trên chưa được nhân rộng trong toàn huyện.

Trước tình trạng dịch bệnh xảy ra trên cá bống tượng nuôi lồng bè ở Gia An kéo dài trong nhiều năm liền, Trung tâm Khuyến nông đã thử nghiệm nuôi cá thát lát cườm trong lồng bè với số lượng nuôi ban đầu là 3.000 con, quy mô 60 m3. Mục đích là đa dạng hóa đối tượng nuôi ngoài cá bống tượng và các loài cá khác trên vùng hồ Biểnlạc xã Gia An. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trên 400g/con và trong quá trình nuôi cá không bị bệnh như cá bống tượng thường nuôi trước đây. Nhận thấy đây là một đối tượng có tiềm năng phát triển trong tương lai, vì cá thát lát cườm có phẩm chất thịt ngon, ít xảy ra dịch bệnh.Loài cá này còn có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. 

Liên kết tiêu thụ

Để phát triển nghề nuôi cá thát lát kết hợp với tiêu thụ sản phẩm theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ và phát triển thương hiệu chả cá thát lát Biển Lạc, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông tiếp tục thực hiện mô hình “Nuôi cá thát lát cườm bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ” trên địa bàn xã Gia An, với quy mô 280m3/10 hộ dân. Thời điểm thả giống từ cuối tháng 6/2017, với số lượng con giống 21.000 con. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 300 - 400g/con. Có thể kéo dài thời gian nuôi sau 8 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 500 - 600g/con.Ông Phạm Kim Thành- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, cá sau khi thu hoạch được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Phối Phối (thị trấn Lạc Tánh) hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm với giá không thấp hơn 65.000 đồng/kg. Rõ ràng, việc kết hợp, kêu gọi doanh nghiệp thu mua cá thương phẩm tạo nên chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bước đầu được thực hiện một cách thuận lợi, tạo điều kiện cho các hộ nuôi không còn lo lắng về đầu ra sản phẩm. Đây là tín hiệu vui, đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, là tiền đề để xây dựng thêm nhiều chuỗi liên kết sản xuất, giảm thiểu tình trạng hàng hóa thủy sản, nông sản “được mùa rớt giá”.

Ông Đinh Ngọc Bền là một trong số 10 hộ thực hiện mô hình chia sẻ: “Tham gia mô hình này, chúng tôi đượcnhà nước hỗ trợ  trên 163 triệu đồng, gồm 100% giống và 30% thức ăn. Thời gian thực hiện hợp đồng từ tháng 6/2017 đến tháng 2/2018”. Ông Bền nhẩm tính, nếu bán vào thời điểm thích hợp, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ mô hình mỗi lứa gần 90 triệu đồng.  

Cần nhân rộng

Đây là mô hình lần thứ hai được nuôi tại địa bàn huyện Tánh Linh, qua đánh giá sơ bộ đã thấy rõ hiệu quả mà mô hình mang lại.Đáng mừng, với sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp sẽ tạo cho người nuôi mạnh dạn đầu tư vì không còn lo ngại về đầu ra của sản phẩm. Về phía địa phương, thiết nghĩ cần mở rộng diện tích, chuyển đổi ao nuôi các loài cá không có giá trị kinh tế sang nuôi cá thát lát và quy hoạch xây dựng vùng nhiên liệu. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người nuôi, tạo điều kiện về mặt pháp lý để doanh nghiệp thu mua hợp tác lâu dài cùng người nuôi để sản phẩm cá thát lát Tánh Linh ngày càng vươn xa hơn. Sự kết hợp giữa “4 nhà” tạo nên một chuỗi liên kết bền vững sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho một sản phẩm mang thương hiệu của vùng.

Ngoài việc quan tâm đến sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn huyện, cần có những cơ chế, chính sách quản lý để bảo vệ tài nguyên môi trường nước, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của vùng. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế pháp lý để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp thu mua, chế biến và có những chính sách hỗ trợ người nuôi trong việc vay vốn để họ mạnh dạn đầu tư vào nuôi trồng thủy sản ngày càng rộng hơn.

    
      Theo đánh giá của người nuôi, cá thát lát là một loài cá dễ nuôi, ít   bệnh tật so với cá bống tượng mà bà con đã từng nuôi. Đặc biệt, có doanh   nghiệp thu mua tại địa phương tạo điều kiện cho người nuôi yên tâm sản   xuất, không còn lo lắng việc tư thương ép giá mỗi khi thu hoạch.

KiỀu HẰng