Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng

Chính trị - Ngày đăng : 20:32, 08/06/2022

BTO-Chiều nay 8/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội về Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Ngân hàng.

Nhóm vấn đề thứ 3 bao gồm các nội dung: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng…

1.jpg
Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi.

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi: Trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp gì để tăng cường năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng và đánh giá mức độ đạt mục tiêu về an toàn vốn, đáp ứng thông lệ quốc tế? Giải pháp của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới để tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là gì?

00000jhgjhthong-doc-nhnn.jpeg
Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn

Trả lời vấn đề này Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đối với một tổ chức tín dụng hay toàn hệ thống, ngoài vấn đề tái cơ cấu quan trọng là nâng cao tiềm lực tài chính thì còn vấn đề rất quan trọng đó là năng lực quản trị và điều hành. Cần xác định, quản trị điều hành phải gắn với phát hiện cảnh báo rủi ro và có biện pháp để xử lý. Trong quá trình tái cơ cấu thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản để nâng cao khả năng quản trị và đặc biệt là Thông tư 13 quy định rõ yêu cầu các tổ chức tín dụng phải sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện theo tuyến phòng thủ để nhận diện rủi ro.

Ví dụ tuyến thứ nhất đối với các hoạt động về kinh doanh như các tổ chức tín dụng hoặc là kinh doanh các loại hình dịch vụ của ngân hàng. Tuyến thứ hai đó là phải có bộ phận quản trị rủi ro, đối với tuyến này phải kiểm tra tuyến thực hiện nhiệm vụ kinh doanh. Tuyến thứ ba rất quan trọng đó là kiểm soát nội bộ mà ở đây chính là nhiệm vụ của Ban Kiểm soát trong một tổ chức tín dụng. Đây là một ban rất độc lập với Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Ban này đòi hỏi phải tăng cường tính độc lập, phải kiểm tra và phát hiện được vấn đề, thậm chí có thể thuê kiểm toán bên ngoài để đánh giá để giúp cho mình có thể nhận định từ đó cảnh báo được rủi ro.

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng đang triển khai Thông tư 13, các ngân hàng cũng phải đầu tư về trang thiết bị công nghệ, sắp xếp nguồn nhân lực phù hợp. Ngoài ra, Thông tư 41 yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tuân thủ theo tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn theo Tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay về cơ bản các tổ chức tín dụng đã thực hiện Thông tư 41, riêng một số các tổ chức tín dụng chưa thực hiện đã có kế hoạch để triển khai từ đầu năm 2023.

T.HÀ