Bất đức thì vô dụng!
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:12, 10/06/2022
Làm cán bộ, làm nhà báo càng phải nêu gương sáng về đức và tài. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam – nền báo chí cách mạng do Bác Hồ sáng lập và giáo dục, thấu hiểu đạo đức cán bộ, đạo đức công dân và đạo đức báo chí, đạo đức càng phải được coi trọng, đề cao.
Nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Làm công bộc cho dân phải vì dân, phải biết liêm sỉ và biết giữ mình trong sạch. Đốt lò để loại bỏ tham nhũng, chống tiêu cực, công việc phải làm thường xuyên, làm kiên trì. Lửa cháy thì củi khô và củi tươi đều cháy, tuyệt đối không có vùng cấm. Tổng Bí thư nhiều lần nhắc đến lời dạy của Bác Hồ cần luôn rèn luyện đạo đức, bởi đạo đức kém dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, hủ hỏa, phát sinh nhiều tiêu cực, gây hại cho xã hội, cho nhân dân.
Sau Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng trước đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết, mạnh mẽ điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực. Chỉ xét riêng vụ án trọng án xảy ra tại Công ty CP công nghệ Việt Á, nhiều cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang bị khởi tố, điều tra, xử lý – liên quan đến phòng, chống đại dịch Covid-19. Sáu tháng điều tra vụ Việt Á và hai ngày trả giá của hai cựu Ủy viên Trung ương là bài học đau xót nhãn tiền về rèn giũa đạo đức và phẩm hạnh, giữ gìn liêm sỉ. Việc hai Ủy viên Trung ương Đảng cũng là hai Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, một Thứ trưởng bị khai trừ Đảng, cách hết mọi chức vụ, bị khởi tố và bắt tạm giam – được thực thi khá nhanh, dứt khoát, không khoan nhượng. Các cán bộ cấp cao này đã suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống Covid-19; gây bức xúc trong xã hội, làm mất uy tín của tổ chức Đảng.
Bất đức – mất phẩm hạnh thì tai hại vô cùng, từ chuyện lớn đến chuyện bé. Rèn giũa đạo đức phải từ việc nhỏ nhất, phải biết tự kiểm soát những hành vi phi đạo đức, lòng tham, vụ lợi vẫn thường xảy ra đâu đó chung quanh ta, đâu chỉ là việc to tát, lớn lao mà phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Mới đây, trong dư luận xã hội ở Lâm Đồng, Bình Thuận… có lời khen ngợi đến hành vi không chen lấn, không phóng nhanh vượt ẩu, biết nhường đường cho du khách, hướng dẫn du khách nói riêng, người đi đường nói chung, mọi người mọi nhà phải tự giác tuân thủ thực hiện luật Giao thông. Đó chính là hành vi có đạo đức, đáng học, đáng khen. Ví như trên sân Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chiều 8/6/2922, một cầu thủ bóng đá trẻ hạng Nhì của câu lạc bộ Bình Thuận trong cuộc đấu tranh lên hạng Nhất không chỉ có thái độ bất cần, thách thức, thóa mạ mà còn đuổi đấm thẳng vào mặt trọng tài sau khi lĩnh thẻ đỏ. Cầu thủ này bị thẻ vàng thứ hai sau một pha vào bóng bằng cả hai chân nguy hiểm trên sân – đồng nghĩa một thẻ đỏ. Trên sân cỏ, cầu thủ đó đuổi, đánh, đấm thẳng vào mặt trọng tài là hành vi vô pháp, kém đạo đức. Đạo đức sân cỏ là hành vi thể thao cao thượng, không thể tha thứ bạo lực.
Bình Thuận – Phan Thiết là địa bàn phát triển mạnh mẽ dịch vụ du lịch; vùng đất, vùng biển ắp đầy văn hóa - nghĩa hiệp, kiên trung, mến khách, đáng sống. Tiếp tục tạo nên làn sóng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bình Thuận đã và đang xây dựng nên những tập thể dân cư văn minh, văn hóa trong cuộc sống mỗi ngày. Văn minh, đạo đức, nếp sống đẹp của xã hội lan tỏa mạnh mẽ, trăm hoa đua nở, đang thúc đẩy du lịch và kinh tế - xã hội phát triển. Văn hóa, đạo đức và lối sống đẹp nơi bản làng, phố phường, trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong chính mỗi gia đình, mỗi con người, cần lắm thay!