“Chìa khóa vàng” để nông nghiệp bứt phá

Kinh tế - Ngày đăng : 05:21, 10/06/2022

“Thanh long bây giờ rớt giá, bấp bênh và khó tiêu thụ. Chặt đi để trồng những cây ăn trái có giá trị hơn như xoài, mít, dừa… Cây gì có giá trị thì mình chuyển đổi thôi”.

Đó là lời giải thích của nhiều nông dân khi không ngần ngại chặt bỏ cây thanh long để thay thế bằng những loại cây ăn trái khác. Thực tế này đã dẫn đến câu chuyện giải cứu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản lặp đi lặp lại trong thời gian qua như một điệp khúc buồn, không chỉ ẩn chứa sự bất lực của người nông dân mà còn thể hiện sự loay hoay của ngành nông nghiệp. Vậy đâu là “chìa khóa” để ngành nông nghiệp bứt phá, phát triển và đời sống của người nông dân ngày được ổn định hơn?

z3478253967179_a5dc666debb76bc565b73fc40cdb570a.jpg

Thích nghi và thay đổi tư duy

Thay vì trồng rau trên đất, thì tại thôn Liêm An, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, bà Nguyễn Thị Khánh đã trồng rau thổ canh công nghệ cao với các chủng loại rau ăn lá và rau gia vị. Sản phẩm được tiêu thụ khá tốt không chỉ thị trường trong tỉnh mà còn xuất bán sang một số chợ đầu mối ở các tỉnh lân cận. Bà Khánh cho biết, bà trồng các loại rau ăn lá và gia vị trên diện tích 3 ha. Toàn bộ diện tích này được bà đầu tư nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và phun sương tự động thiết kế tương tự như nhà vườn trồng rau chuyên nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm sau thu hoạch khá đồng đều và ổn định, mặc dù thời tiết ngoài trời có mưa hay nắng bất thường. “Tôi đưa mô hình vào sản xuất từ tháng 11/2021. Đến nay, mỗi ngày vườn rau thổ canh công nghệ cao cung ứng ra thị trường khoảng 600 kg rau xanh các loại. Trong đó, xà lách chiếm 70%, còn lại là rau gia vị và rau thơm. Trong số này, có đến một nửa tiêu thụ ở các chợ đầu mối của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu” bà Khánh chia sẻ.

Cũng theo bà Khánh, có kết quả trên là cả một quá trình dày công cải tạo trên nền đất ruộng cũng như áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện tại, vườn rau thổ canh này duy trì việc làm đều đặn cho hơn 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 6 - 9 triệu đồng/người/tháng. Trong tương lai, bà Khánh sẽ còn mở rộng diện tích trồng trọt kết hợp với chăn nuôi theo quy trình khép kín.

z3478253576493_41cb6b33cab7338330585166785823bb.jpg

Tương tự, trang trại Bình An ở xã Thuận Quý - huyện Hàm Thuận Nam nổi tiếng khắp cả nước khi trồng thành công các giống nho ngoại nhập khẩu từ Ý, Mỹ, Nhật. Bà Phạm Thị Tuyết Mai - chủ trang trại chia sẻ, phải mất hơn 3 năm và tiêu tốn nhiều tiền của, công sức để thuần hóa thành công 6 trên 30 giống nho ngoại thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng tại Bình Thuận. Hiện nay, 5 ha nho ngoại trồng trong nhà màng theo tiêu chuẩn GlobalGap của trang trại có năng suất đạt gần 90% và chất lượng tương đồng so với đất nước bản địa. Sản phẩm đã được xuất bán thương mại tại thị trường Việt Nam 2 năm nay với giá chỉ bằng một nửa nho ngoại nhập khẩu.

Đến nay, Bình Thuận có 3 doanh nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao, 270 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Hầu hết, các doanh nghiệp cũng như trang trại đã và đang phát huy các tiềm năng thế mạnh sẵn có tại địa phương.

Có thể nói, Bình Thuận có khí hậu khắc nghiệt, ít mưa, nhiều nắng, thổ nhưỡng ít phù sa màu mỡ nên việc thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững là vấn đề khó khăn và nan giải. Tuy nhiên, học cách thích nghi đồng thời thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp đã giúp cho ngành nông nghiệp Bình Thuận có bước chuyển khởi sắc, khoác lên diện mạo mới, với nhiều trang trại công nghệ cao.

Công nghệ cao sẽ là chìa khóa vàng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã từng phát biểu: “Nông sản không phải để giải cứu, mà là sản phẩm để nâng niu”. Đó là sự đau đáu khát vọng nâng tầm giá trị nông sản Việt của tư lệnh ngành nông nghiệp. Tại Bình Thuận, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025 đã xác định: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Để hiện thực hóa nhiệm vụ, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết 05 có hiệu lực vào tháng 9/2021. Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất khẩu hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận. Nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, dịch vụ theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có hệ sinh thái phát triển bền vững.

Đây là tiền đề và được xem là chìa khóa để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

z3478253582062_eb96a23c18a3530192e23d9b1aab648b.jpg

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, mặc dù xuất phát điểm của ngành nông nghiệp Bình Thuận thấp, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm kiên trì bền bỉ tháo gỡ từng nút thắt khó khăn, cùng với các chính sách mời gọi nhà đầu tư thông thoáng, cởi mở đã giúp nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh có sự đột phá, khởi sắc và phát triển. Hiện nay trên toàn tỉnh đang cố gắng phát triển hạ tầng thủy lợi đáp ứng nhu cầu của phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, trong ứng dụng công nghệ cao, tỉnh chia ra từng vùng một, từng việc một, từng vị trí một, từng tiểu vùng một để tìm ra cơ cấu cây trồng cũng như chăn nuôi cho thích hợp.

Nông nghiệp phát triển tốt đã góp phần tạo nên diện mạo mới của Bình Thuận sau hơn 30 năm tái lập. Phát huy thành quả này, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bình Thuận phấn đấu đưa thu nhập của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020 và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.

Ngọc Diệp