Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động
Xã hội - Ngày đăng : 05:35, 13/06/2022
Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức và kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trên cả nước. Tại điểm cầu Bình Thuận, tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thuận Bích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh và cán bộ, đoàn viên công đoàn trong tỉnh.
Công nhân quan tâm đến vấn đề nhà ở, hỗ trợ vốn
Mở đầu buổi đối thoại, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Trước buổi đối thoại, cơ quan chức năng đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động tập trung vào 10 nhóm vấn đề. Trong đó, nhóm vấn đề được công nhân quan tâm và đặt nhiều câu hỏi nhất là nhu cầu bức thiết về nhà ở, trường học và các thiết chế công đoàn hỗ trợ đời sống công nhân. Người lao động (NLĐ) bày tỏ nguyện vọng được học nghề và đào tạo nghề; xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH). Ngoài ra, công nhân kiến nghị những vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh; được bảo đảm về an toàn thực phẩm, nhất là bếp ăn và các điểm chợ quanh khu công nghiệp; bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi ở, nơi làm việc…
Ngay trong buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, công nhân đã chia sẻ câu chuyện phải thường xuyên tăng ca, làm việc vào ngày thứ bảy, rất khó khám sức khỏe và mong muốn phát triển bệnh viện tại các khu công nghiệp. Nhiều công nhân lao động xa quê mong muốn thu nhập hàng tháng tăng lên, mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hoặc được thuê nhà giá rẻ. Kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ trợ vốn cho NLĐ nghèo tự tạo việc làm (CEP) của công đoàn. Ngoài ra, công nhân còn nêu thực trạng chính sách BHXH còn nhiều bất cập, thời gian đóng dài mới được hưởng lương hưu, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng cho công nhân từ 40 - 45 tuổi và đề nghị Chính phủ có giải pháp…
Sẽ rà soát, hoàn thiện các chính sách
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng vì trong 2 năm qua, mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp, không thể thực hiện các cuộc đối thoại trực tiếp, nhưng nhiều cuộc đối thoại trực tuyến với công nhân, NLĐ vẫn được tổ chức. Đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn chăm lo, quan tâm và đồng hành để tìm ra giải pháp khắc phục hậu quả dịch Covid-19; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan tới đời sống của công nhân; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách, quyền lợi của công nhân, NLĐ.
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết các ý kiến của công nhân rất đúng, rất trúng, rất cần phải giải quyết và gửi lời cảm ơn đến những đóng góp của anh chị em công nhân. Thủ tướng thông báo tin vui tới toàn thể công nhân lao động, sáng (12/6), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng tăng 6% so với mức hiện tại.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn anh chị em công nhân tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp ý, trao đổi để những vấn đề xuất phát từ thực tiễn được giải quyết kịp thời, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, cho nhân dân. Thủ tướng đề nghị các ban, bộ ngành và địa phương phải thẳng thắn rút kinh nghiệm những gì chưa làm được để làm tốt hơn, đáp ứng với nguyện vọng, mong muốn của công nhân về đời sống, công ăn việc làm, được nâng cao trình độ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.