Xăng dầu lập đỉnh, có nên trợ giá cho người dân, doanh nghiệp?
Trong nước - Ngày đăng : 14:41, 14/06/2022
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục thiết lập kỷ lục mới và chưa biết khi nào mới “hạ nhiệt”, có thể xem xét phương án trợ giá xăng dầu cho người dân. “Trong trường hợp giảm thuế nhập khẩu và tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường mà giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, trong khi chưa thể giảm ngay được thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, thì có thể kết hợp với việc trợ giá xăng dầu cho người dân như nhiều nước đã thực hiện”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.
Theo chuyên gia, việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân cũng không phải là quá mới mẻ với Việt Nam, nên có thể thực hiện được. Trong 2 năm 2020 và 2021, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hiện tại, các địa phương đang tích cực giải ngân gói tài khóa trị giá 6.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. “Việc hỗ trợ trực tiếp giúp người dân giảm được phần nào chi phí xăng dầu, nhưng quan trọng hơn là thể hiện được sự quan tâm, hỗ trợ người dân của Chính phủ lúc giá cả tăng cao”, ông Lạng nói thêm.
Về nguồn kinh phí thực hiện, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng có thể trích một phần từ dầu thô để hỗ trợ trực tiếp (trợ giá) cho người dân, bởi trong thời gian vừa qua, giá dầu thô tăng mạnh, ngân sách tăng thu rất lớn từ hoạt động khai thác dầu thô. Bên cạnh giải pháp cấp bách này, chuyên gia nhấn mạnh cần khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường…
Đồng quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá Bộ Tài chính nhìn nhận giá xăng dầu tăng kỷ lục đang tác động rất lớn đến hoạt động và giá thành vận tải trong nước. Ông Long cho rằng để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, nhà nước có thể trích một khoản kinh phí để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
“Xăng dầu là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ nên khi xăng tăng có tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường. Trong khi giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh, các giải pháp giảm thêm thuế phí chưa thể thực hiện ngay được. Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp để duy trì cuộc sống và hồi phục kinh tế sau dịch. Tuy nhiên, việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại”, ông Long nói.
Doanh nghiệp vận tải kêu “chết đứng”
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, cho rằng giá dầu tăng 2.630 đồng/lít (tương đương 10%) lên 29.020 đồng đã giáng một đòn mạnh vào quá trình phục hồi của doanh nghiệp sau dịch Covid-19. “Giá xăng dầu tăng mạnh khiến doanh nghiệp vận tải tiếp tục phải đối mặt rủi ro. Nếu không điều chỉnh giá cước, chắc chắn doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ. Nhưng nếu tăng cước sẽ có nguy cơ mất khách hàng”, ông Hải nói.
Trong khi đó, Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học, cho hay doanh nghiệp đang rơi vào cảnh “chết đứng” khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt. Theo ông Học, giá xăng dầu chiếm 30 – 40% đơn giá vận chuyển nên việc xăng dầu tăng giá ngay lập tức ảnh hưởng đến chi phí. Nhưng khó khăn là doanh nghiệp không thể ngay lập tức tăng giá cước vì mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách. “Doanh nghiệp vận tải vừa lao đao vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nay thêm giá xăng, dầu tăng cao thì doanh nghiệp chết hẳn. Thậm chí muốn bán xe giờ cũng chẳng ai dám mua. Từ vài chục đầu xe trước đây, nay chúng tôi chỉ duy trì vài chuyến để giữ khách”, ông Học nói.
Theo ông Đỗ Văn Bằng, doanh nghiệp đang loay hoay vì không biết xoay xở kiểu gì. Tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay ngân hàng, mà bán xe cắt lỗ thì không ai mua. “Doanh nghiệp gần như chết đứng giữa hai gọng kìm Covid-19 vì giá nhiên liệu xăng, dầu tăng phi mã. Tôi cũng bó tay không biết làm thế nào. Anh em nhà xe cũng chỉ biết nhìn nhau “cắn răng” mà chấp nhận”, ông Bằng than thở.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp sức hỗ trợ, nhà xe đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa nhà xe và hành khách qua hình thức bán vé qua mạng, thanh toán điện tử, vé điện tử, cấp lệnh xe chạy điện tử.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình, xe chạy dù đón khách ngoài bến để đảm bảo an toàn giao thông và tạo môi trường vận tải công bằng. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có giải pháp dài hơi để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành vận tải duy trì hoạt động ổn định.
Hàng không cũng lao đao
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đang gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu bay tăng mạnh. Theo đó, trong kế hoạch kinh doanh 2022, hãng bay này xây dựng kế hoạch với giá dầu chỉ 80 USD/thùng, nhưng nay giá dầu thế giới giao ngay lên tới trên 160 USD/thùng (bình quân 2021 chỉ khoảng 73 USD/thùng).
Với mức tăng hơn gấp đôi này, kết quả sản xuất kinh doanh của các hãng bay bị tác động rất mạnh. Doanh nghiệp càng bay nhiều thì chi phí càng lớn và số lỗ càng nhân lên. Theo tính toán, chỉ cần với 1 USD/thùng/năm tăng hoặc giảm thì chi phí tăng hoặc giảm sẽ tương ứng 87 tỷ đồng/năm. Hiện, chi phí nhiên liệu bay của Vietnam Airlines trong quý I/2022 chiếm hơn 30% chi phí hoạt động và dự kiến còn tăng sốc trước xu thế tăng giá xăng dầu thế giới.
Tương tự, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietravel Airlines, đánh giá, chi phí nhiên liệu biến động là thách thức cực lớn cho các hãng hàng không, thậm chí một số hãng có thể phải dừng bay nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao./.