Kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch titan

Kinh tế - Ngày đăng : 15:29, 06/03/2018

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai nêu rõ, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ sắp tới, Bình Thuận kiến nghị giảm từ 24 khu vực quy hoạch titan tổng diện tích 19.527 ha trước đây xuống còn 13 khu vực, tổng diện tích 7.730 ha. Trong đó quy hoạch nêu rõ giải pháp về công nghệ khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng nước, bảo vệ môi trường để thực hiện khả thi, hiệu quả.
 

  BTO- UBND tỉnh đã thông qua đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò,  khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan đến năm 2020, có xét đến năm 2030  (gọi tắt quy hoạch titan) vào chiều qua (5/3). Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh  Hùng cùng dự.

 
                        
        UBND tỉnh họp điều chỉnh quy hoạch titan
 
  

   Với khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đề nghị Thủ tướng cho Bình Thuận  chấp thuận các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), nông nghiệp  công nghệ cao, dự án du lịch, dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đơn  giản, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 
                        
    
        Khai thác titan ở Hàm Thuận Nam
 
 

 Trong  khu vực này, chủ đầu tư không được khai thác khoáng sản titan bên dưới, có  trách nhiệm bảo vệ khoáng sản dự trữ trong thời gian hoạt động…  Theo Chủ tịch tỉnh, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch titan nhằm đảm bảo  việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác titan trong thời gian tới phù  hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của nhân dân địa phương; giảm sự  chồng lấn giữa quy hoạch, dự án titan với các dự án kinh tế - xã hội của  tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng sạch  (điện gió, điện mặt trời); giảm tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh  quan, nguồn nước, đời sống của người dân... do khai thác mỏ titan.  

 

   Phát biểu tại buổi họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong báo  cáo UBND tỉnh gửi Chính phủ, đề nghị làm rõ trữ lượng và tài nguyên titan  Bình Thuận có hướng khai thác phù hợp; các bộ, ngành rà soát tổng quy mô trữ  lượng, công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép thăm dò, khai thác gắn sử  dụng nguồn nước mặt, hiện trạng đầu tư nhà máy chế biến sâu để quy hoạch  phân kỳ cấp phép thăm dò, khai thác hợp lý, đảm bảo nguyên tắc khai thác hết  thân quặng sâu dưới lòng đất gắn với chế biến sâu.

   T. Khoa