Hàm Tân: Phụ nữ tự tin khởi nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 06:08, 15/06/2022
Bước qua rào cản
Từ bỏ công việc ổn định tại một cơ quan nhà nước để theo đuổi niềm đam mê làm tranh giấy xoắn, câu chuyện khởi nghiệp của Lê Thị Ánh Nguyệt (xã Tân Xuân) khiến nhiều người nể phục. Trên chặng đường mà Nguyệt đã và đang đi chông gai nhiều hơn thuận lợi, dẫu vậy, người phụ nữ ấy chưa bao giờ nản lòng. Nhẫn nại bước từng bước một, chậm mà chắc để tìm kiếm khách hàng, thị trường và cả rèn nghề. “Điều ý nghĩa nhất mà hội thi phụ nữ khởi nghiệp mang lại cho tôi chính là niềm tin, từ đó dám mạnh dạn theo đuổi đam mê”, chị Ánh Nguyệt chia sẻ.
Cũng như Nguyệt, trước đây nhiều phụ nữ ở Hàm Tân không hề có ý định về khởi nghiệp. Họ cho rằng, đây là việc của đàn ông và mình chỉ “phụ một tay” khi cần thiết. Chính suy nghĩ ấy đã trở thành rào cản khiến chị em quẩn quanh ở ngôi nhà, căn bếp, sấp ngửa với việc rẫy nương. Là những người cần bình đẳng giới nhưng phụ nữ đánh mất quyền của mình ngay trong chính suy nghĩ, hành động. Thực tế ấy khiến các cấp Hội LHPN trên địa bàn không khỏi trăn trở. Nhiều buổi trò chuyện, cuộc họp, diễn đàn đã được tổ chức.
Tạo điều kiện để phụ nữ khẳng định mình
Bà Trần Thị Đình Hương – Chủ tịch Hội LHPN Hàm Tân cho biết: Phát huy vai trò là cơ quan thường trực của đề án, Hội đã chủ động tham mưu với UBND huyện triển khai các hoạt động liên quan. Thông qua hoạt động truyền thông, trên 80% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, phát triển kinh doanh. Đồng thời phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Bình Thuận, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh, Trung tâm dạy nghề huyện mở 14 lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng khởi sự kinh doanh, đào tạo nghề.
Mức sống và điều kiện kinh tế của đa số hội viên, phụ nữ ở Hàm Tân còn thấp, vì thế để vận động, tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, cán bộ Hội phải thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em, nhất là trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có ý tưởng kinh doanh. Trên phương châm người có vốn giúp vốn, người có công giúp công, thậm chí dàn dựng các chương trình văn nghệ gây quỹ mua cây, con giống hỗ trợ chị em khó khăn hơn. Còn những hội viên muốn thành lập, gia nhập vào các tổ hợp tác, hợp tác xã thì hướng dẫn để họ nắm được những kiến thức cơ bản về kinh tế tập thể, quy trình thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc, điều kiện khi tham gia. Ngoài ra, Hội tăng cường khai thác, phối hợp thực hiện tốt chương trình ủy thác của các ngân hàng tạo điều kiện cho chị em vay sản xuất.
Đến nay, toàn huyện có 4 tổ hợp tác xã chăn nuôi heo tại xã Tân Thắng và Sơn Mỹ, 2 tổ liên kết sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Sông Phan. Từ năm 2018 - 2022, các cơ sở Hội đã phát hiện, giới thiệu 205 điển hình phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó nhiều mô hình khởi nghiệp đạt được hiệu quả cao như sản phẩm nấm linh chi của chị Trinh (thị trấn Tân Nghĩa) đã đi vào hệ thống siêu thị Co.opmart, tranh giấy xoắn của Lê Thị Ánh Nguyệt (xã Tân Xuân) được nhiều khách hàng trong và ngoài nước đặt hàng, hay sản phẩm nhãn sấy, trồng và trang trí sen đá, xương rồng, sản phẩm gạch không nung…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, ông Nguyễn Thành Nam nhìn nhận: Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của phụ nữ trong việc tìm ra những sản phẩm mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện nhà. Thời gian tới, Hội LHPN huyện cần phối hợp với các ban, ngành tập trung tuyên truyền, vận động 100% cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp. Tăng cường kết nối, kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thông qua các mô hình phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho những ý tưởng của phụ nữ được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để hiện thực hóa. Cùng với đó, hỗ trợ quảng bá và xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường ổn định và tổ chức hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị cho những mô hình có đủ điều kiện nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng phát hiện, xây dựng và biểu dương các mô hình, điển hình tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả.