Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa dẫn đường hạng nặng
Quốc tế - Ngày đăng : 08:36, 15/06/2022
Phát biểu tại hội thảo do Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tổ chức, ông Colin Kahl nêu rõ, Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao sẽ được chuyển giao cùng với tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS).
“Đôi khi bạn nhìn thấy hình ảnh của MLRS khai hỏa, nó giống như những vụ bắn hạ nhiều tên lửa cùng lúc. Đó thực sự không phải là cách hệ thống này hoạt động”, ông Kahl cho biết. “GMLRS là loại tên lửa dẫn đường chính xác và có kích thước lớn. GMLRS giúp một cuộc tấn công hiệu quả hơn, thay vì phải sử dụng quá nhiều tên lửa. Nói cách khác, bạn có thể phá hủy nhiều mục tiêu với số lượng tên lửa rất ít, hoặc không cần nhiều tên lửa để đạt được hiệu quả đáng kể”.
Trước đây, khi Nhà Trắng lần đầu thông báo sẽ gửi hệ thống HIMARS tới Ukraine vào ngày 1/6, họ cho biết hệ thống sẽ được trang bị “đạn dược chiến trường”, được hiểu là tên lửa có tầm bắn giới hạn từ 32km đến 60km.
Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã cam kết chuyển giao cho Ukraine 4 hệ thống HIMARS nhưng chúng vẫn chưa đến được quốc gia này. Nhóm pháo binh đầu tiên của Ukraine hiện đang chuẩn bị hoàn thành khóa đào tạo sử dụng hệ thống. “Chúng tôi sẽ cung cấp cho người Ukraine những gì họ cần để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine mà họ đang tìm cách truy lùng”, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.
Nga từng nhiều lần cảnh báo hậu quả của việc Mỹ và đồng minh tiếp tục cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi đầu tháng 6, Tổng thống Putin cho biết: "Tầm bắn không phụ thuộc vào bản thân hệ thống pháo binh, mà phụ thuộc vào tên lửa được sử dụng". Ông nêu rõ, nếu Mỹ chuyển giao cho Ukraine tên lửa tầm xa thì Nga sẽ “đưa ra kết luận phù hợp và sử dụng vũ khí của chúng tôi để tiêu diệt những mục tiêu mà chúng tôi chưa tấn công”. Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi xung đột bùng phát từ cuối tháng 2 vừa qua, Ukraine đã mất hơn 500 hệ thống phóng tên lửa và hơn 1.900 khẩu pháo./.