Thêm người “thắp lửa” cho văn hóa đọc
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:17, 16/06/2022
Tủ sách miễn phí tại khu phố
8 giờ sáng, cánh cửa hội trường khu phố 2, thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân) đã mở rộng cửa đón người dân và trẻ em vào đọc sách. Các dãy ghế được sắp xếp ngay ngắn. Trên tủ sách, hơn 600 đầu sách được sắp xếp gọn gàng và chia thành các chủ đề từ sách thiếu nhi, kỹ năng sống, văn học, lịch sử đến sách giáo dục, kinh doanh.
Ông Phạm Phú Nhứt – Bí thư chi bộ là người sáng lập tủ sách chia sẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, để có kiến thức phục vụ cuộc sống, cống hiến cho quê hương thì cần phải học, “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Vì thế, việc xây dựng “tủ sách khu phố” là cách mà ông và các thành viên trong Ban điều hành khu phố ấp ủ từ lâu, để mọi người tự bổ trợ thêm kiến thức cho mình và để trẻ em có nơi sinh hoạt.
Tủ sách mở ra từ cuối năm 2019, nhưng suốt 2 năm dịch Covid-19 xảy ra, tủ sách phải đóng cửa và chỉ mới mở lại từ tháng 6/2022. Tuy số lượng trẻ tới đọc chưa nhiều, nhưng điều đáng mừng là có những phụ huynh khi dắt các em đến đọc sách đã gửi gắm cho ông Nhứt để vừa tránh xa các thiết bị điện tử, vừa quản lý con an toàn.
Điểm đọc sách mở cửa từ 8 giờ đến 10 giờ 30 buổi sáng và từ 15 giờ đến 17 giờ buổi chiều. Hè này, sẽ có thêm 3 cô giáo mầm non thay phiên nhau phụ trách mở cửa và kết hợp dạy cho các em các kỹ năng sống. Ông Nhứt hy vọng sẽ đón thêm nhiều cháu học sinh không chỉ sinh sống ở trong khu phố mà còn ở các nơi khác đến. Từ “tủ sách khu phố” này, những hạt mầm tri thức sẽ được gieo trồng và nảy nở, giúp thiếu nhi có một mùa hè lành mạnh.
Cần được chung tay
Theo một số liệu thống kê đã được công bố, mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách, trong đó có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa. Vì thế, tính bình quân đầu người, mỗi năm người Việt chỉ đọc 0,8 cuốn sách ngoài sách giáo khoa - một con số quá ít ỏi so với các nước trên thế giới.
Thực tế, đã có nhiều thanh niên trưởng thành từ nông thôn chia sẻ rằng, họ chưa từng đọc cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa trong suốt 18 năm đầu đời. Đó là một hiện thực rất buồn, rất đáng báo động.
Cùng với nỗ lực “kéo” bạn đọc về thư viện nhà nước qua các hoạt động tuyên truyền, xe lưu động, thì ở một số tỉnh, thành trong nước đã xuất hiện những thư viện tư nhân phục vụ tích cực cho cộng đồng như thầy Bùi Văn Đông - người điều hành tủ sách Văn Bùi ở Ninh Bình, anh Đỗ Hà Cừ - người điều hành không gian đọc Hy vọng ở Thái Bình, ông Phạm Thế Cường - chủ thư viện tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay… Còn tại Bình Thuận, những năm trước, ở một vài quán cà phê tại các đô thị đã quan tâm bố trí những tủ sách nhỏ. Tuy nhiên số lượng sách chưa nhiều và chỉ tập trung mảng sách văn học, triết lý sống dành cho giới trẻ, nên ít thu hút. Vì thế, cần thêm nhiều các tủ sách cộng đồng như ở khu phố 2, thị trấn Tân Nghĩa để “thắp lửa” cho văn hóa đọc, truyền cảm hứng đọc sách.
Tác giả - nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, người mà lâu nay được độc giả cả nước trìu mến gọi bằng cái tên “Người bán sách rong”, trong cuốn “Xây dựng tủ sách gia đình - Cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh” cũng đã nhận định: Đọc sách là một hình thức học tập mở, có vai trò to lớn và diễn tiến suốt cả đời người. Đọc sách không chỉ giúp chúng ta bổ sung kiến thức, bồi dưỡng trí tuệ, không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có về tâm hồn… Có sức mạnh nội tâm, con người sẽ không sợ hãi các thách thức từ thực tế. Vai trò của đọc sách đối với giáo dục gia đình chính ở chỗ ấy. Thông qua đọc sách, việc mở mang tri thức để làm việc, lao động sản xuất, mà việc đọc sách còn đem đến cho con người sự tinh tế, lòng trắc ẩn, cảm xúc phong phú.
Vì thế đừng đợi đến “Ngày hội đọc sách”, “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, các hoạt động khuyến đọc mới được phát động rầm rộ, mà mỗi gia đình hãy tự xây dựng các tủ sách riêng. Cùng với đó mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu hình thành tủ sách để mọi người được tiếp cận với sách nhiều hơn và nâng cao đời sống tinh thần.