3 kịch bản có thể xảy ra khi chiến sự Nga-Ukraine ở thời điểm bước ngoặt

Quốc tế - Ngày đăng : 08:58, 16/06/2022

Các quan chức quân đội và tình báo phương Tây tin rằng cuộc chiến ở Ukraine đang ở thời điểm bước ngoặt có thể quyết định kết quả của cuộc xung đột.

Thời điểm bước ngoặt này có thể buộc các chính phủ phương Tây phải đưa ra quyết định, giữa bối cảnh sự hỗ trợ cho Ukraine có thể khiến chính nền kinh tế của họ chịu tổn thất và kho vũ khí quốc gia trở nên cạn kiệt.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin dự kiến ngày 15/6 dẫn đầu nhóm làm việc gồm gần 50 quốc gia để thảo luận về cuộc khủng hoảng trong thời điểm Mỹ sẽ đưa ra thông báo cung cấp thêm gói hỗ trợ vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine - một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay. Các quan chức Ukraine đã thể hiện sự thất vọng khi những loại vũ khí và đạn dược cần thiết dường như được cung cấp ngày càng nhỏ giọt, đồng thời lo ngại rằng những cam kết của phương Tây sẽ phai nhạt dần vào thời điểm quyết định này.

3_kich.jpg
Khói bốc lên từ thành phố Severodonetsk trong cuộc giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine ở khu vực Donbass ngày 9/6. Ảnh: CNN

"Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đi vào vấn đề trọng tâm là liệu bên nào sẽ thành công. Liệu Nga có kiểm soát được Slovyansk và Kramatorsk hay Ukraine sẽ ngăn chặn được họ. Và trong trường hợp Ukraine có thể cầm cự ở đây thì vấn đề mà họ phải đối mặt chính là quy mô lực lượng”, quan chức trên bình luận.

3 kịch bản có thể xảy ra

Các quan chức phương Tây đang theo dõi sát sao 3 kịch bản mà họ cho là có thể xảy ra:

Nga có thể tiếp tục đạt được thành quả tại 2 tỉnh quan trọng ở phía Đông Ukraine. Hoặc cục diện chiến trường sẽ rơi vào thế bế tắc kéo dài nhiều tháng nếu không muốn nói là nhiều năm, dẫn đến thương vong lớn cho cả hai bên và gây tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu.

Kịch bản mà các quan chức cho rằng ít có khả năng xảy ra nhất là: Nga sẽ định nghĩa lại mục đích của cuộc chiến, thông báo rằng nước này đã giành chiến thắng và cố gắng khép lại xung đột. Hiện nay, viễn cảnh này gần như chỉ là một dự đoán lạc quan.

Nếu Nga có thể củng cố những thành quả ở phía Đông, các quan chức Mỹ lo ngại rằng Tổng thống Putin sẽ sử dụng những vùng lãnh thổ này để tập hợp quân đội nhằm đánh sâu hơn vào Ukraine.

"Tôi chắc chắn rằng nếu Ukraine không đủ mạnh, họ sẽ tiến xa hơn. Chúng tôi sẽ cho họ thấy sức mạnh của mình. Và điều quan trọng là sức mạnh đó nên được chúng tôi và các đối tác phương Tây thể hiện cùng nhau", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định ngày 14/6.

Theo nhà lãnh đạo Ukraine, sự hỗ trợ của phương Tây phải được thực hiện "nhanh chóng hơn" nếu các nước đối tác của Ukraine muốn ngăn cản những tham vọng của Nga. Một số quan chức phương Tây tin rằng Nga đang ở vị thế thuận lợi hơn ở phía Đông Ukraine do sự áp đảo về lực lượng và trang thiết bị.

Cục diện chiến trường có thể khiến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine trở thành cuộc chiến tiêu hao với cả hai bên đều chịu thương vong nặng nề và đối mặt với nguy cơ thiếu hụt về lực lượng. Các quan chức tình báo Mỹ cho rằng Nga đang cố gắng xoay xở để đạt được những thành quả quan trọng mà không cần huy động toàn bộ lực lượng - động thái nguy hiểm mà cho tới nay Tổng thống Putin vẫn chưa sẵn sàng thực hiện.

Hiện nay, giao tranh giữa Nga và Ukraine tập trung ở 2 thành phố nằm ở bên hai bờ sông Donets là Sievierodonetsk và Lysychansk. Quân đội Ukraine gần như bị bao vây hoàn toàn ở Sievierodonetsk.

Mặc dù các nhà phân tích phương Tây tin rằng Ukraine có cơ hội tốt hơn để phòng thủ Lysychansk, vốn nằm ở khu đất cao hơn nhưng có những dấu hiệu cho thấy Nga đang nỗ lực cắt đứt nguồn cung hậu cần vào thành phố này bằng cách tiến công từ phía Đông Nam.

"Định mệnh của Donbass sẽ được quyết định theo nhiều cách khác nhau" bởi những gì diễn ra ở 2 thành phố này, Tổng thống Zelensky nhận định vào tuần trước.

Phương Tây có sẵn sàng “kề vai sát cánh” đến cùng với Ukraine?

Các quan chức Mỹ khẳng định phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine trên chiến trường. Tuy nhiên những bài báo địa phương về việc thiếu vũ khí cũng như những bình luận bày tỏ thái độ thất vọng của các quan chức Ukraine ở tiền tuyến đã đặt ra những câu hỏi về việc nguồn cung hậu cần liệu có đang hoạt động hiệu quả hay không. Ukraine hiện kêu gọi phương Tây hỗ trợ không chỉ các vũ khí hạng nặng mà còn cả những nguồn cung cơ bản như đạn dược.

Các nguồn tin cho cũng biết một phần của vấn đề là giữa bối cảnh Ukraine đang cạn kiệt đạn dược thời Liên Xô, phù hợp cho những hệ thống hiện tại, thì cũng có những trở ngại khác liên quan đến khả năng của các binh lính khi chuyển sang vận hành các hệ thống vũ khí của phương Tây. Điều đáng nói là việc huấn luyện để những binh lính này vận hành các hệ thống trên cần có thời gian và các binh lính này cần rời khỏi chiến trường.

Trong một số trường hợp, theo một nguồn tin thân cận với tình báo Mỹ, Ukraine chỉ đơn giản là không sử dụng những hệ thống của phương Tây mà họ không quen sử dụng. Chẳng hạn, bất chấp việc nhận được hàng trăm máy bay không người lái Switchblade, các đơn vị vẫn muốn sử dụng các máy bay không người lái thương mại được gắn chất nổ do chúng dễ sử dụng hơn.

Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố một gói hỗ trợ mới vào đầu tháng này, trong đó có Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) có khả năng phóng hàng loạt rocket và tên lửa. Đây là loại vũ khí mà Ukraine kêu gọi phương Tây hỗ trợ khẩn cấp trong nhiều tuần. Tuy nhiên, mặc dù một số lượng nhỏ binh lính Ukraine bắt đầu được đào tạo để sử dụng gần như ngay lập tức hệ thống này sau khi gói cứu trợ được thông báo thì họ vẫn cần khoảng 3 tuần huấn luyện và chưa thể ra chiến trường. Vì thế, quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ chỉ nói rằng hệ thống này sẽ được vận hành ở Ukraine "sớm" chứ không nêu thời gian cụ thể.

Trong khi đó, một số lượng hạn chế các loại đạn dược thời Liên Xô ở những nơi khác trên thế giới có thể được vận chuyển tới Ukraine. Mỹ đang hối thúc các quốc gia với kho đạn dược lâu đời hơn tìm kiếm những gì họ sẵn có để cung cấp cho Ukraine.

Điểm mù chiến lược

Phía Mỹ cho biết mặc dù họ có hiểu rõ về những tổn thất của Nga trên chiến trường nhưng ngay từ đầu, họ vẫn gặp khó khăn trong việc đánh giá sức mạnh chiến đấu của Ukraine. Các quan chức thừa nhận, Mỹ không có bức tranh rõ ràng về việc liệu các vũ khí của phương Tây được đưa tới đâu và được sử dụng hiệu quả như thế nào trên chiến trường Ukraine. Điều đó khiến những dự báo của tình báo về cuộc chiến gặp khó khăn và những quyết định về chính sách liên quan đến việc tái bổ sung các trang thiết bị cho Ukraine đối mặt với thách thức.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden nhận định với CNN rằng Mỹ đang cố gắng để "hiểu hơn về tỷ lệ tiêu thụ và nhịp độ chiến đấu của quân đội Ukraine" khi được hỏi rằng liệu Ukraine có đang cạn kiệt đạn dược và vũ khí hay không.

Điểm mù này một phần là bởi Ukraine không chia sẻ với phương Tây mọi thứ, các quan chức phương Tây cho hay. Và bởi chiến trường tập trung ở một khu vực nhỏ tương đối gần Nga nên các cơ quan tình báo phương Tây không thể có cùng tầm nhìn so với những nơi khác.

"Ở cấp độ chiến thuật, nhất là tại khu vực mà phần lớn các cuộc giao tranh diễn ra, những nơi này cách quá xa chúng tôi và gần Nga, trong khi các lực lượng tập trung rất sát nhau. Do đó, rất khó để có bức tranh rõ ràng về tình hình giao tranh ở phía Đông”.

Một quan chức NATO thì cho rằng, ngoài ra cũng khó có thể dự đoán quân đội Ukraine sẽ thể hiện sức mạnh chiến đấu như thế nào trong thời điểm bước ngoặt này bởi số lượng thương vong đang tăng lên và họ đang huấn luyện cho những tình nguyện viên là dân thường để điều họ ra chiến trường.

"Lực lượng thì có thể sẵn có nhưng câu hỏi là họ đã sẵn sàng chiến đấu hay chưa. Tôi nghĩ, điều này cũng là một nhân tố cần xem xét", quan chức trên cho hay.

Phương Tây dự đoán bước đi tiếp theo của Nga

Trong khi đó, Mỹ và các quan chức phương Tây khác nhận định, không có dấu hiệu gì cho thấy Tổng thống Putin sẽ thay đổi mục tiêu của mình.

"Về những mục đích chiến lược của Tổng thống Putin đối với Ukraine, tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy chúng sẽ thay đổi. Tổng thống Putin tin rằng ông ấy sẽ thành công và kiểm soát thực tế, hoặc đạt được một hình thức kiểm soát chính trị nào đó với Ukraine ở một khu vực đáng kể hoặc lý tưởng hơn là toàn bộ đất nước”, quan chức Mỹ bình luận.

Giữa bối cảnh giao tranh kéo dài, chi phí của các chính phủ phương Tây sẽ tiếp tục tăng lên. Một số chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ khiến kho vũ khí quốc phòng quan trọng của họ cạn kiệt.

Sau đó, dĩ nhiên tình trạng giá năng lượng và lạm phát tăng cao vẫn sẽ tiếp diễn. Khi những điều này bắt đầu tác động đến người dân Mỹ và châu Âu, trong khi truyền thông bắt đầu chuyển sự chú ý khỏi cuộc chiến, một số quan chức lo ngại sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine sẽ suy giảm.

Người phát ngôn binh đoàn quốc tế của quân đội Ukraine ngày 14/6 đã lên tiếng về "tâm lý tự mãn" của những người ủng hộ Ukraine và cho biết quốc gia này cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa nếu muốn đánh bại Nga.

"Hiện ở một số đối tác phương Tây của chúng tôi đã xuất hiện tâm lý tự mãn rằng những vũ khí Ukraine được cung cấp phần nào đã đủ để chiến thắng cuộc chiến này. Nhưng không, số lượng vũ khí đó chưa thể đưa chúng tôi đến gần việc đánh bại quân đội Nga trên chiến trường”, Damien Magrou, người phát ngôn Binh đoàn Quốc tế Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay./.

vov.vn