Lấp đầy kho khí đốt, châu Âu vẫn đối mặt mùa đông khó khăn khi thiếu Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 10:32, 16/06/2022
Mùa đông khó khăn của châu Âu
Người dân châu Âu đang phải đối mặt với giá nhiên liệu cao ngất ngưởng khiến ngân sách căng thẳng, thu nhập khả dụng giảm và ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế.
Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, Nga đã cắt dòng khí đốt đến Bulgaria, Ba Lan, Phần Lan, công ty năng lượng Đan Mạch Orsted, công ty năng lượng Gasterra của Hà Lan và hãng Shell Energy (Anh), có hợp đồng với Đức, sau khi tất cả từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Moscow.
EU gồm 27 thành viên, vốn phụ thuộc vào 40% khí đốt Nga, đặt mục tiêu kho dự trữ khí đốt sẽ được lấp đầy 80% vào tháng 11, từ khoảng 50% ở thời điểm hiện tại. Bởi vậy, châu Âu cần nhanh chóng hành động để bảo đảm cung cấp năng lượng cho mùa đông tới và giảm bớt áp lực của các hóa đơn năng lượng cao đối với người dân và doanh nghiệp.
Các đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra bao gồm kêu gọi mức dự trữ khí đốt tối thiểu 80% sẽ được áp dụng vào tháng 11/2021, với khả năng mức này sẽ được nâng lên 90% trong những năm tiếp theo. Theo các nhà phân tích, châu Âu đang đi đúng hướng với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, châu Âu cần các nguồn cung thay thế lớn, chẳng hạn như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), để lấp đầy khoảng trống khí đốt do Nga để lại.
“Việc cắt hoàn toàn dòng chảy khí đốt từ Nga sẽ là kịch bản xấu nhất của châu Âu trong mùa đông năm nay vì lục địa này khó có thể nhận đủ khí đốt từ các nguồn cung khác để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung đáng kể như vậy”, Leon Izbicki, nhà phân tích về khí đốt tự nhiên tại Energy Aspects, cho biết.
Ngay cả trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, nhu cầu về khí đốt đã tăng mạnh trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Thị trường LNG, vốn chủ yếu là các hợp đồng dài hạn, hiện đang thu hút rất nhiều sự quan tâm.
Dữ liệu của công ty Refinitiv cho thấy, EU đã gia tăng mua LNG, với lượng nhập khẩu tăng khoảng 58% trong 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng thời điểm vào năm 2021.
Nguồn cung LNG bị gián đoạn
Mỹ, một nhà sản xuất LNG lớn, đã cam kết sẽ giúp châu Âu có nhiều lô hàng hơn. Vào tháng 3, EU và Mỹ thông báo ký thoả thuận đối tác về năng lượng để giảm dần sự phụ thuộc của EU đối với các nguồn năng lượng hoá thạch từ Nga. Theo thoả thuận, từ nay đến năm 2030, Mỹ cam kết mỗi năm cung cấp cho EU 50 tỷ m3 LNG.
Tuy nhiên, nguồn cung khí đốt của châu Âu đã hứng chịu một “đòn giáng” khi một cảng xuất khẩu LNG của Mỹ phải ngừng hoạt động trong ít nhất 3 tháng.
Theo Financial Times, Freeport LNG - nhà điều hành một trong những nhà máy xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, nói rằng việc gián đoạn hoạt động để sửa chữa sau một vụ nổ tại nhà máy vào tuần trước có thể kéo dài đến cuối năm. Một phần hoạt động của cảng chỉ có thể nối lại sau 90 ngày.
“Nếu châu Âu bước vào mùa đông chỉ dựa vào nguồn cung cấp LNG thì mọi thứ sẽ trở nên rất khó khăn”, Evangeline Cookson, nhà phân tích và nhà khí tượng học tại công ty môi giới hàng hóa Marex, nói.
Không giống như khí đốt vận chuyển qua đường ống có thể tăng lên nhanh chóng, vận chuyển LNG có thể mất hàng tuần và có thể bị gián đoạn do thời tiết. Cơ quan Quản lý Khí quyển Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết, vào tháng 5, có 65% khả năng xảy ra một mùa bão Đại Tây Dương trên mức bình thường, bao gồm từ 6-10 cơn bão.
Chuyên gia Izbicki cho biết, châu Âu vẫn có thể bơm thêm khí đốt vào kho dự trữ trong năm 2022, ngay cả khi không có nguồn cung từ Nga, nhưng khu vực này sẽ gặp khó khăn khi mùa đông đến vào cuối năm 2023.
Đức, quốc gia trước đây phụ khoảng 50% khí đốt từ Nga, đã đưa ra kế hoạch cho một hệ thống đấu giá để giúp phân phối khí đốt cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng nếu nguồn cung bị cắt giảm.
Pháp đã thực hiện các biện pháp hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho các hộ tiêu thụ lớn trong trường hợp thiếu hụt năng lượng.
Ba Lan, nơi đã bị Nga cắt khí đốt, đã tăng cường nhập khẩu LNG, mở một đường ống liên kết khí đốt với Litva vào tháng 5 và đặt mục tiêu mở một đường ống dẫn mới trong năm nay tới Na Uy. Bên cạnh đó, Ba Lan vẫn có kế hoạch hạn chế khí đốt cho ngành công nghiệp nặng để có thể cung cấp khí đốt cho hộ gia đình và các dịch vụ công cộng.
Nhà kinh tế Holger Schmieding của Ngân hàng Berenberg ước tính sản lượng kinh tế EU sẽ thấp hơn 2% vào cuối năm 2022 nếu nguồn cung khí đốt của Nga ngừng hoạt động ngay bây giờ.
Khí đốt chiếm hơn 20% nhu cầu sử dụng năng lượng của EU như sưởi ấm, tạo ra điện và được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm quan trọng như phân bón. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu tăng cao đang gây ra tác động lớn.
“Ngay cả khi không có lệnh cấm vận của EU đối với Nga, giá khí đốt cao đang gây thiệt hại nặng nề cho người tiêu dùng, khiến họ có ít kinh phí hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ khác”, ông Schmieding nói./.