Mong đừng “đánh trống bỏ dùi”
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:19, 17/06/2022
Ngay sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra hôm 2/6/2022 tại tỉnh Bắc Giang, do tài xế say rượu gây tai nạn làm cả 3 người trong một gia đình tử vong. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu kiểm tra việc chấp hành quy định về phòng chống tác hại của rượu, bia, chấn chỉnh tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Được biết, nồng độ cồn trong máu và khí thở của lái xe gây tai nạn gấp nhiều lần mức cho phép.
Cũng ngay sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, vào chiều ngày 26/2/2022, do chìm ca nô ở biển Cửa Đại - Hội An - Quảng Nam, làm 17 du khách thiệt mạng. Cục Cảnh sát giao thông đã yêu cầu khẩn trương kiểm tra toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đường thủy trên phạm vi cả nước, kiên quyết không cho xuất bến các phương tiện không bảo đảm an toàn.
Thông thường sau các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, khiến dư luận bàng hoàng, lo lắng, các cơ quan chức năng lại mở các đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, để kịp thời chấn chỉnh. Động thái này có tác dụng trấn an dư luận, giúp nhân dân an tâm hơn khi tham gia giao thông, nên được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Rõ ràng, tình trạng xe quá khổ, quá tải gây mất an toàn giao thông và cày nát cầu, đường là khá phổ biến; tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn (thậm chí sử dụng ma túy) gây tai nạn giao thông là rất phổ biến; tình trạng người và phương tiện vận tải hành khách đường thủy (kể cả sông, biển, ao hồ) không bảo đảm an toàn vẫn hoạt động cũng khá phổ biến. Đây đều là những công việc rất cấp bách, phải kiểm tra, chấn chỉnh ngay để phòng ngừa, hạn chế lặp lại các vụ việc đau lòng tương tự. Tuy nhiên, vì sự an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, vì mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông một cách vững bền, mong rằng các cơ quan chức năng đừng “đánh trống bỏ dùi”. Nghĩa là sau các đợt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm (khoảng 1 tháng) ấy, vẫn phải duy trì thường xuyên, liên tục hoạt động kiểm tra, xử lý để các đối tượng, phương tiện vi phạm không “lờn luật”, không tái diễn lại các hành vi vi phạm an toàn giao thông.
Bài học trong việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, là sau khi phát động ra quân rất rầm rộ, hoành tráng, quyết liệt, đường chỉ thông, hè chỉ thoáng được ít bữa rồi “đâu lại vào đó”. Người dân lại tái chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán, họp chợ, để xe… bộ mặt đô thị có khi còn nhếch nhác, bầy hầy hơn xưa.
Hay như việc kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, đã có thời điểm cả nước ra quân kiểm tra, xử phạt ráo riết, quyết liệt, khiến các “ma men” phải chùn bước, các quán nhậu, phố nhậu kêu trời vì vắng khách, các hãng bia doanh số tụt giảm mạnh, còn tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia giảm mạnh cả 3 tiêu chí. Nhưng hơn 2 năm qua, phần do ảnh hưởng dịch Covid-19, phần do công tác kiểm tra, xử lý lơi lỏng, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông lại phổ biến.
Luật pháp đã nghiêm cấm uống rượu, bia khi lái xe, nhưng vào buổi tối dạo một vòng các khu ăn nhậu ở TP. Phan Thiết như đường Hùng Vương, đường Lê Duẩn, đường Phạm Văn Đồng… sẽ thấy ô tô, xe máy đậu san sát. Hàng trăm người ngật ngưỡng từ quán nhậu bước ra tự lái về nhà, thậm chí còn đi tăng 2, tăng 3, rất nguy hiểm.
Khi mặt bằng ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia giao thông ở nước ta chưa cao, chỉ có việc các cơ quan chức năng thường xuyên, liên tục kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, mới hạn chế được những cái chết oan nghiệt của người dân vô tội. Đồng thời nâng dần ý thức, văn hóa giao thông của nhân dân.