Trái cây rẻ, người bán - người trồng chung nỗi sầu

Đời sống - Ngày đăng : 05:50, 17/06/2022

Trái cây không chỉ bán ở các chợ, mà bán online miễn tiền “ship”, bán trên nhiều tuyến đường Phan Thiết với giá rẻ. Thế nhưng, người bán vẫn không “trôi hàng”, người trồng thì lao đao.
trai-cay.jpg.jpg
Những hàng bán trái cây ở chợ Phan Thiết. Ảnh: Ngọc Lân

Ngon nhưng rẻ “bèo”

Ghi nhận tại một vài chợ ở Phan Thiết, mùa vụ trái cây năm nay tràn ngập nhiều loại với giá khá rẻ. Chẳng hạn, xoài Đài Loan 2 kg với giá 15.000 đồng, tương ứng 7.500 đồng/kg, giảm rất nhiều so với các vụ trước (khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg). Xoài keo 15.000 đồng/kg trong khi đó vụ trước là 25.000 đồng/ kg. Tương tự, giá bơ 034 là 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy vào phân loại trái lớn hay nhỏ, giảm mạnh so với vụ trước 45.000 - 60.000 đồng/kg… Bên cạnh đó, các loại trái cây có múi khác như mít, cam, bưởi… giá cũng khá rẻ. Riêng sầu riêng, giá 45.000 - 65.000 đồng/ kg tùy thuộc từng loại sầu riêng địa phương có hạt hay là sầu riêng hạt lép. Mức giá này tạm ổn - không tăng, không giảm.

Nhìn chung, các chợ đều tràn ngập trái cây với giá khá rẻ. Trái cây không chỉ bán ở các chợ, mà bán online mang đến tận nhà - miễn tiền “ship”, bán trên nhiều tuyến đường trong nội thành Phan Thiết và dọc theo quốc lộ 28 trên các xe đẩy, xe tải nhỏ. Giá bán ở các xe dọc đường thấp hơn so với các tiểu thương ở chợ 2.000 - 5.000 đồng/kg tùy thuộc mặt hàng.

Một số tiểu thương ở các chợ cho biết: Mặc dù trái cây mùa vụ năm nay đẹp cả mẫu mã, ngon cả về chất lượng, nhưng giá thì rẻ “bèo” so với các năm trước. Thế nhưng, người bán ở các chợ vẫn không “trôi hàng”, mà còn bị lỗ vốn. Nguyên nhân là bán không hết hàng, trái cây trở nên khô héo và xuống màu không bán được cho ai đành đổ bỏ. Sở dĩ, giá trái cây giảm mạnh, do đang vào vụ mùa thu hoạch. Trong khi đó sức mua không tăng; người tiêu dùng cũng dè dặt trong chi tiêu.

Người trồng lao đao

Trước tình hình giá trái cây khá rẻ, người trồng đối mặt nhiều khó khăn. Tại thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết (Tánh Linh) có hơn 450 ha xoài Đài Loan và xoài keo. Nguồn thu nhập của người dân trong thôn chủ yếu nhờ vào cây xoài, mỗi năm 2 vụ. Tuy nhiên, giá xoài năm nay quá thấp, thương lái thu mua hàng loại 1 tại vườn chỉ giá 1.500 - 3.000 đồng/kg, gần như không mua hàng loại 2, loại 3 và hàng dạt. Mức giá thấp chạm đáy, không thể nào còn thấp hơn được nữa. Người trồng lao đao, lỗ tiền công chăm sóc và phân bón, trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp đầu tư vào vườn cây thì cứ tăng vùn vụt. Các gia đình vẫn còn đang nợ tiền phân bón của mùa vụ này tại các đại lý, cửa hàng và tiếp tục mua nợ để đầu tư cho vụ thu hoạch kế, nợ chồng nợ. Người dân thôn Suối Sâu có vụ xoài buồn! Mặc dù một mùa vụ thất bát do giá, nhưng mọi người vẫn bám trụ, đang chăm sóc xử lý lại chuẩn bị cho vụ thu hoạch vào gần cuối năm, với hy vọng giá tốt! Đó là chia sẻ của ông Bùi Minh Tâm - Trưởng thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết (Tánh Linh).

Anh Trần Văn Thuận (xã Đa Mi, Hàm Thuận Bắc) cho biết: Với 3 ha xoài Đài Loan, anh có nguồn thu nhập khá tốt trong các mùa vụ trước. Tuy nhiên, mùa vụ năm ngoái 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19, câu chuyện mua bán bị đình trệ, người trồng bị lỗ. Còn mùa vụ năm nay, giá bán quá thấp, thậm chí thương lái không mua do trái cây “đụng chợ”. Anh Thuận phá bỏ 3 ha cây xoài Đài Loan thay vào trồng mới cây sầu riêng.

Theo Hội Nông dân xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), đầu năm đến nay, thời tiết nắng hạn kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp, các loại sâu bệnh phát triển mạnh. Song, người nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo nguồn nước tưới trong mùa khô khá tốt. Với giá trái cây giảm mạnh, giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, đời sống và sản xuất của người nông dân bị ảnh hưởng. Vì vậy, người trồng tiếp tục chuyển đổi cây trồng, trồng mới, trồng xen sầu riêng, măng cụt vào vườn bơ, xoài, mít.

Từ thông tin trên cho thấy, mỗi khi được mùa thì mất giá. Có người thì cố giữ lại vườn, tiếp tục đầu tư chờ mùa vụ kế tiếp tốt hơn. Có người thì chặt phá, trồng mới loại cây khác. Giữ lại vườn cây, hay phá bỏ thay vào loại cây khác đều tùy thuộc vào sự nhận định, tính toán riêng từng cá nhân theo cách chủ quan. dễ rơi vào vòng luẩn quẩn. Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan có sự hoạch định rõ hơn cho người trồng về diện tích, rải vụ, xen canh… sao cho phù hợp, cũng như sự liên kết với doanh nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng cao vươn xa ra các thị trường để hạn chế mức thấp nhất sự thiệt hại về câu chuyện “được mùa mất giá”.

TRANG MINH