Nhớ mùa phát rẫy

Văn học nghệ thuật - Ngày đăng : 05:55, 17/06/2022

Tôi đang sinh sống và làm việc trên vùng đất cao nguyên, thành phố ngàn hoa Đà Lạt nhiều quyến rũ.

Không khí của sớm mùa hè trời mát mẻ, trong lành; thoang thoảng những mùi hương mát rượi. Hè về cũng có tiếng ve ran đầy ở những khoảng trời xa lắc, cũng có những cái nắng chang chang, cùng với những cơn mưa rào bất chợt; tuy không nhiều, nhưng thi thoảng cũng giông gió, sấm chớp ầm ầm báo hiệu cho những cơn mưa hè vội vã sau những đợt nắng ấm hanh hao. Đà Lạt, trời vào hạ, nhưng cái nắng giữa trưa không nóng bằng cái nắng mùa đông sáng sớm ở dải đất cực Nam Trung bộ Bình Thuận quê hương tôi. Nhớ quê hương, tôi nhớ cái nắng mùa hè mang bao kỷ niệm cảm xúc sâu thẳm trong tâm hồn. Vào khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, vùng đất cát chạy dài song song với quốc lộ 1A ở những xã Hàm Mỹ, Hàm Kiệm, Hàm Cường, Hàm Minh của huyện Hàm Thuận Nam; vùng đất có những địa danh lịch sử trong kháng chiến, giúp quân và dân ta vượt qua bao khó khăn gian khổ mà khi nhắc đến ai cũng nhớ đó là: Bưng Trường, Bưng Thị, Khe Bà Màng; Bưng Cò Ke; Núi Ba Hòn. Người dân ở những nơi này rất chịu thương, chịu khó bám ruộng đồng, nương rẫy; quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhà nhà dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng dành dụm sắm cho bằng được một đôi bò và một chiếc xe gỗ; có vùng chỉ dùng xe bò một con, có nơi dùng xe bò đôi để phục vụ cho cày, kéo quanh năm. Nhiều gia đình suốt đời làm rẫy phải tới ba, bốn thế hệ; từ ông bà, cha mẹ đến các con, các cháu; việc học hành chỉ để biết đọc, biết viết; có sức khỏe làm ruộng, làm rẫy là quý lắm rồi. Đất đai tự phá, tự khai thác miễn sao không có tranh chấp với nhau là được. Nhiều gia đình sở hữu từ 5 - 7 ha đất rẫy, chủ yếu là đất cát để trồng khoai, đậu, bắp, dưa, mè; cũng có gia đình đông con đất đai họ chiếm được lên đến trên 10 ha.

lam-ray.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ba mẹ tôi cũng không ngoại lệ, gia đình đông con; chỉ có ba mẹ là lao động chính, chúng tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn và khác mọi nhà là tất cả 7 anh em chúng tôi đều được đi học. Hè về, lúc hơn 10 tuổi tôi thường theo ba mẹ vào rẫy để giữ em, chăn bò, canh chòi và nấu cơm, dọn những cành cây khô xung quanh bờ ranh rẫy mà ba vừa mới phát. Rồi thời gian trôi qua, lớn dần lên một tý; ở tuổi học cấp ba, khi mùa hè đến, sau những ngày giã bạn, tan trường; lòng còn xao xuyến bồi hồi của tuổi học trò. Thời khắc này ai cũng mong thời gian chầm chậm trôi qua đến từng giây, từng phút để lắng lòng với sự hợp tan rồi dần chìm vào nhung nhớ. Thì cũng là lúc chuẩn bị cho mùa rẫy, tôi vội vã quên mau những ngày cắp sách đến trường; tất cả sức lực, tâm trí đều tập trung vào một vụ hè – thu, ruộng rẫy đang chờ mình phía trước. Gạo, mắm, đường, muối, cá khô và một số vật dụng cần thiết khác cùng tôi lên đường - một mùa làm rẫy bắt đầu.

Xa quê hương hơn 30 năm rồi, nhưng mỗi lần hè sang, lúc mà những cơn mưa đầu mùa rả rích, râm ran tiếng ve; ngồi một mình trong căn phòng tôi lại nhớ về những mảnh đất do chính bàn tay mình phát, chặt những khóm cây, gom lại đốt rẫy ở những buổi trưa hè. Lúc ấy, trời nắng như đổ lửa, mồ hôi ướt đẫm đôi vai gầy của chàng thanh niên tuổi mới lớn; nhưng tôi luôn mong trời đừng mưa để những cành cây, bụi cỏ vừa phát dọn mau khô để châm lửa đốt. Tôi nhớ, những khi nhìn hàng dưa, bụi đậu, cây bắp, dây khoai xanh mơn mởn trên mảnh đất mới mà lòng sung sướng reo vui, nghĩ về một mùa bội thu trên cánh đồng quê hương bừng xanh đầy sức sống. Cũng là lúc tôi thường hay lẩm bẩm những câu trong bài thơ “Giọt mồi hôi” của nhà thơ Thanh Tịnh: Mồ hôi mà đổ xuống đồng/Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương/Mồ hôi mà đổ xuống vườn/Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ tằm/Mồ hôi mà đổ xuống đầm/Cá lội phía dưới, rau nằm phía trên/Mồ hôi xuống, cây mọc lên/Ăn no đánh thắng dân yên nước giàu.

Những đứa con xa quê lâu như tôi, khi nghĩ về quê hương, nghĩ về một vùng đất một thời thật sự gian khổ mới có, một vùng đất đã thuộc về mình; một thời chòi rẫy là nơi mình gắn bó, nuôi mình lớn lên theo từng mùa hạ. Đó cũng là lúc tôi nghĩ về sự đổi mới đi lên của đất nước; nghĩ về sự phát triển của làng quê. Mong cho mọi nhà, mọi người không còn cảnh cực khổ sớm hôm, không còn cảnh rách áo, thiếu cơm.

Đỗ Văn Cường