Con nhà người ta

Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 17/06/2022

Năm học vừa kết thúc, các sĩ tử cuối cấp 2 cũng vừa có cuộc chạy đua vào lớp 10, còn học sinh cấp 3 cũng xoắn não để ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp, thi các giải quốc gia…

Phụ huynh gặp nhau chủ yếu hỏi han chuyện học hành của các con, cháu đăng ký thi trường nào? Đã có chứng chỉ gì chưa? Thành tích cuối năm ra sao? Cháu đang học thêm ở đâu?… Và như một thói quen, các ông cha, bà mẹ buông câu cảm thán “ước gì con mình như con nhà người ta” khi nghe con của ai đó học giỏi xuất chúng.

thi.jpg
Thí sinh làm bài trong phòng thi. Ảnh: Đình Hòa

Sau đó, nhiều người thay nhau “nói xấu” con, nào là ương ngạnh, không nghe lời, nghiện game, học hành chễnh mảng, mê điện thoại… Rồi câu chuyện không dừng lại giữa những phụ huynh với nhau, mà sự ao ước “như con nhà người ta” về đến mâm cơm của từng gia đình. “Con của cô Hoa vừa thi IELTS 7.0, con của bác Ba thi quốc gia đạt giải ba môn tiếng Anh, cuối năm luôn đạt học sinh xuất sắc. Còn con sao không thấy tập trung học hành gì hết vậy?...”. Những câu nói đơn giản, nhẹ nhàng mà sâu cay thế, con cái thường xuyên nghe từ các bậc phụ huynh khi nhắc đến việc học. Chuẩn “con nhà người ta” vô tình đè nặng tâm lý trẻ, có lẽ là cơn ác mộng đối với tất cả trẻ em, học sinh, sinh viên. Dù biết rằng mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng các bậc làm cha mẹ vẫn không dằn được lòng mà so sánh con mình. Từ cân nặng, chiều cao, chơi thể thao cho đến điểm số... Nhiều cha mẹ “ngây thơ” nghĩ rằng, so sánh là cách để con phấn đấu bằng bạn, bằng bè. Nhưng thực tế có phải như vậy?

Trên cả nước, đã xảy ra không ít vụ con trẻ tự tử vì áp lực học hành, vì bị so sánh không bằng con nhà người ta. Vì thế, càng so sánh trẻ càng mang đến một ám ảnh tâm lý cho con rằng, cha mẹ chỉ luôn nhìn thấy điểm tốt của con người ta và nhìn thấy điểm yếu của mình. Thay vì chê bai con, hãy khen đứa trẻ mỗi ngày, so sánh chính con với chính chúng của ngày hôm qua, xem nó có tiến bộ hơn mỗi ngày không? Đừng bao giờ đem con người khác ra làm “gương” soi, phản chiếu cái mà con mình không có. Mỗi cá thể đều có điểm mạnh, yếu khác nhau. Quan trọng nhất là cha mẹ cần giúp con phát huy được khả năng của mình, hạn chế được nhược điểm và cảm thấy tự tin trong cuộc sống.

Có nhiều trẻ thắc mắc rằng, cha mẹ có giỏi đâu mà bắt con phải giỏi xuất thần! Thậm chí lứa tuổi cấp 2, cấp 3 thường vặn vẹo, so sánh lại rằng: “Cha mẹ của bạn Nam bằng tuổi cha mẹ mà họ giàu kết xù, lương trăm triệu/tháng, sao cha mẹ nghèo vậy?”. Phụ huynh có thích bị so sánh thế không? Nếu không, thì quên đi cụm từ “con nhà người ta” nhé!

Song Nguyên