Đoàn ĐBQH tỉnh: Đóng góp tích cực vào thành công chung của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV

Chính trị - Ngày đăng : 15:13, 19/06/2022

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vừa kết thúc thành công tốt đẹp. Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông về những kết quả quan trọng và hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tại kỳ họp, nhiều vấn đề cử tri tỉnh nhà quan tâm đã được các ĐBQH tỉnh chuyển tải tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương.

PV: Xin ông cho biết những kết quả quan trọng, nổi bật của kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XV?

a2e1888f-d1da-4e67-a8c5-9e0384a5cafa.jpeg
Ông Nguyễn Hữu Thông

Sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, ngày 16/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Có thể nói, đây là kỳ họp thường kỳ đầu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, với sự đồng thuận, thống nhất rất cao, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022, mà cả cho giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Trong đó, về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội đã quyết nghị nhiều định hướng lớn, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các Kết luận của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19 năm 2022, về các khung kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đặc biệt là khẩn trương triển khai đồng bộ và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…, nhằm khơi thông nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực để vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 5 luật, 3 nghị quyết, góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế. Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 6 dự án luật, tập trung vào nguyên tắc, mục tiêu, những quan điểm lớn, chính sách quan trọng; phân tích thấu đáo các tác động của chính sách và các nội dung cụ thể của các điều, khoản trong từng dự án luật. Đối với các hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội dành thời gian để nghe và thảo luận các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3; xem xét các báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

226ea015-efe0-4826-bd63-173a7073363b.jpeg
Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn nút biểu quyết thông qua các Luật.

​Đáng chú ý, qua 2,5 ngày tiến hành chất vấn  về các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải; đã cho thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn là “trúng và đúng”, vừa có tính thời sự, cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết cụ thể, cả về những việc phải làm và thời hạn hoàn thành để tạo chuyển biến thực sự đối với từng lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và cử tri cả nước. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội giám sát lại và xem xét lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ.

PV: Những hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tại kỳ họp này là gì, thưa ông ?

Tại kỳ họp lần này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có 7/7 vị đại biểu đã nghiêm túc tham gia đầy đủ các hoạt động của chương trình kỳ họp; thể hiện rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đại biểu theo Hiến pháp và pháp luật. Các đại biểu Quốc hội đã chủ động, tích cực, dành thời gian tập trung nghiên cứu kỹ các tài liệu trước khi tham gia thảo luận, chất vấn, biểu quyết,… Đoàn ĐBQH tỉnh đã có hơn 29 lượt ý kiến tham gia, trong đó có 17 lượt ý kiến thảo luận tại Tổ, 5 ý kiến tham luận tại Hội trường và 7 ý kiến chất vấn. Đoàn ĐBQH tỉnh đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận về 6 dự án luật gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dầu khí (sửa đổi). Các ý kiến của ĐBQH tập trung vào nguyên tắc, mục tiêu, những quan điểm lớn, chính sách quan trọng; phân tích thấu đáo các tác động của chính sách và các nội dung cụ thể của các điều, khoản trong từng dự án luật. 

Đặc biệt, có nhiều vấn đề cử tri, nhân dân Bình Thuận quan tâm đã được các đại biểu trong Đoàn chuyển tải đến Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm để xem xét giải quyết. Đáng chú ý, tại phiên thảo luận ở hội trường góp ý việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, ĐBQH tỉnh đã đề nghị Chính phủ đánh giá thật cụ thể những tác động tiêu cực đối với những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch từ khi luật này có hiệu lực cho đến nay, nhất là vấn đề thu hút đầu tư. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian thực hiện các quy hoạch treo, dự án treo và có chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đưa ra. 

​Bên cạnh đó, tại phiên chất vấn, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng một số cán bộ còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm hồ sơ chuyển nhượng bất động sản. Giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực và cơ hội xuất khẩu sản phẩm nông sản và lương thực, lợi thế cạnh tranh nông sản trên thị trường thế giới; nguyên nhân gây chậm trễ việc triển khai thu phí không dừng; giải pháp trong việc quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới…

Có thể nói, Đoàn ĐBQH và mỗi ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã phát huy vai trò, trách nhiệm và có đóng góp tích cực vào thành công chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, qua đó, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và cử tri tỉnh nhà. 

 

THU HÀ