Báo chí với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ 4.0

Xã hội - Ngày đăng : 05:14, 21/06/2022

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã làm thay đổi toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội của loài người. Lĩnh vực báo chí cũng không phải ngoại lệ.

Chính vì thế, CMCN 4.0 buộc các cơ quan báo chí với tư cách là nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông phải thay đổi chiến lược sản phẩm tương thích với nhu cầu và phương thức tiếp cận, thị hiếu của công chúng.

article.jpg

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội khiến báo chí đang phải chịu sức ép rất lớn và buộc phải tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt về thông tin. Câu hỏi đặt ra là báo chí phải làm gì để có thể khẳng định vị thế của mình. Có thể nói, CMCN 4.0 vừa là cơ hội vừa là thách thức với nền báo chí Việt Nam cũng như toàn thế giới. Trong cuộc cách mạng này, vai trò của các hệ thống thông minh là một phần thiết yếu. Liên kết, xử lý thông tin thông qua mạng xã hội hay nền tảng web ngày càng trở nên quan trọng hơn trong kỷ nguyên số. Các nền tảng này được xây dựng dựa trên mạng các dịch vụ, dữ liệu và con người. Các đặc trưng của cách mạng 4.0 mang trong nó nội hàm về công nghệ tri thức và công nghệ thông minh. Chính vì vậy, sự chuyển đổi của nền báo chí thời công nghệ 4.0 là tất yếu. Cách mạng công nghệ cũng làm thay đổi tiêu chí về sáng tạo nội dung báo chí, làm biến đổi giá trị nội dung báo chí đối với nhà quảng cáo. Những bài bình luận nghiêm túc nhưng dài dòng nay thiếu sức hút công chúng, thay vào đó là thông tin đồ họa và các loại hình sản phẩm báo chí đa phương tiện như: các siêu tác phẩm số (mega-stories), các clip dạng live-stream trên mạng xã hội, hay các bản rap-news (bản tin rap)… Trong mỗi cơ quan báo chí, nếu chỉ có hệ thống kết cấu hạ tầng tốt và một nhóm nhà báo trẻ đơn lẻ học cách làm báo công nghệ 4.0 thì chưa đủ. Lãnh đạo tòa soạn, nếu không hiểu về nguyên tắc đa phương tiện và hội tụ truyền thông, không hiểu tính tất yếu trong sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh phát triển mạng xã hội, nguyên tắc lọc bình luận, quản lý fanpage, tận dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung tác phẩm, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin, nguy cơ khủng hoảng trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội thì khó có thể chuyển đổi được thực trạng báo chí truyền thông thích ứng với môi trường truyền thông số. Nói cách khác, khi nền báo chí truyền thông thay đổi đòi hỏi nguồn nhân lực với yêu cầu mới thì đào tạo báo chí buộc phải thay đổi theo.

Việc phát triển báo chí theo hướng đa phương tiện và hội tụ đang tạo nhiều cơ hội cũng như thách thức cho cơ quan báo chí và nhà báo. Một trong những cơ hội đó là thực hiện được nhiều tin, bài chất lượng và tăng số lượng độc giả cho tờ báo. Tuy nhiên, cơ quan báo chí phải có nguồn kinh phí để phát triển tòa soạn, phải đầu tư phát triển nhân tố quyết định sự tồn tại của mình, đó là đội ngũ nhà báo giỏi nghề, chuyên nghiệp. Nhà báo, những người luôn được coi là đại diện cho tiếng nói của Đảng, của nhân dân, đạo đức nghề nghiệp cần phải được đề cao. Vì cùng lúc, báo chí có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều lĩnh vực trong cuộc sống nên những người làm báo trong mỗi tác phẩm, sản phẩm báo chí của mình phải nhận thức sâu sắc từng việc làm, cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét cẩn trọng…

Do vậy, dù công nghệ phát triển đến đâu, dù là sử dụng biện pháp nào, phương thức nào để tận dụng thời cơ cũng như giải quyết thách thức mới đặt ra thì yếu tố quyết định vẫn là con người. Hơn lúc nào hết, người làm báo hiện nay bên cạnh việc nỗ lực học tập nâng cao kiến thức nắm bắt thành tựu công nghệ để theo kịp xu thế phát triển của thời đại, còn phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, trau dồi bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường của người làm báo cách mạng để làm tròn nhiệm vụ. Phải luôn xác định vai trò, nhiệm vụ chính trị của mình là cơ quan ngôn luận của Đảng, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

THANH QUANG