Có thẻ nhà báo sao vẫn đòi “giấy phép con”

Xã hội - Ngày đăng : 05:36, 21/06/2022

Ngoài người mới tuyển, cộng tác viên tác nghiệp bằng giấy giới thiệu, thì đa phần phóng viên tác nghiệp bằng thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Tuy nhiên, hiện một số cơ quan, UBND xã, phường vẫn yêu cầu phóng viên xuất trình giấy giới thiệu.

Vẫn còn thực trạng

Cách đây gần 10 năm, đại diện của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Liên quan việc có thẻ nhà báo, nhưng tòa án vẫn đòi giấy giới thiệu của phóng viên, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó nêu câu hỏi: “Đã có thẻ nhà báo, to hơn giấy giới thiệu rồi mà còn đòi có giấy giới thiệu là sao? Như vậy có phải thủ tục hành chính phiền hà lắm không?”. Bên cạnh đó, có nhiều bài báo nêu thực trạng các nhà báo đi tác nghiệp, mặc dù có thẻ nhà báo nhưng vẫn phải có thêm giấy giới thiệu, tức là “giấy phép con”. Điển hình bài: “Vẽ” quy định gây khó cho nhà báo tác nghiệp, đăng trên báo Công an Nhân dân; Nhà báo cũng phải có thêm “giấy phép con?”, trên trang điện tử Đảng cộng sản Việt Nam...

the.jpg
Thẻ nhà báo còn yêu cầu thêm giấy giới thiệu.

Những phản ánh trên, tưởng rằng sẽ không còn xảy ra, phóng viên đi tác nghiệp yên tâm thực hiện nhiệm vụ, nhưng hiện vẫn đâu đó còn yêu cầu phóng viên phải xuất trình thêm giấy giới thiệu. “Có giấy giới thiệu thì chúng tôi mới cung cấp thông tin. Đó là quy định của cơ quan...”, trưởng phòng tổ chức một cơ quan mới đây yêu cầu chúng tôi xuất trình thêm giấy giới thiệu, mặc dù, có thẻ nhà báo.

Ngoài ra, còn một số lãnh đạo cơ quan khác, bao gồm xã, phường cũng như vậy trong thời gian qua. Có những lần chúng tôi buộc phải trả lời: Giấy mà anh/chị đang yêu cầu là “giấy phép con”. Phần lớn những tình huống này thường xảy ra vì nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở có sự thay đổi, họ chưa biết mặt chúng tôi.

Cẩn trọng nhưng đừng làm khó

Việc cẩn trọng với những người lạ đến trao đổi công việc, nhất là các nhà báo, của cơ quan, đơn vị là đúng. Vì phải đề phòng nạn giả danh nhà báo đến lấy thông tin viết bài, làm điều phi pháp vốn từng xảy ra ở một số nơi. Tuy nhiên, chỉ cần yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu là đủ, nếu thấy nghi ngờ thì có thể chụp lại các giấy tờ này, kịp thời phản ánh đến cơ quan công an cùng cấp, Sở Thông tin và Truyền thông. Cứ đòi phải có giấy giới thiệu thì vô tình ảnh hưởng quyền và nghĩa vụ hoặc làm khổ phóng viên. Họ không thể đáp ứng yêu cầu vì cơ quan báo chí, nơi quản lý bản thân họ nếu như ở cách xa cơ quan, đơn vị, UBND xã, phường - nơi bắt buộc phải có “giấy phép con” mới cung cấp thông tin.

Giấy giới thiệu do các cơ quan báo chí cấp cho những người mới được tuyển vào làm việc, cộng tác viên đặc biệt hoặc thường xuyên viết bài cho báo, còn phóng viên lâu năm thường tác nghiệp bằng thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Trên thẻ nhà báo có hình ảnh người được cấp và có mã QR code nhận diện hồ sơ nhà báo và bên trong thẻ có chip mã hóa điện tử để chống làm giả. Đây là điểm mới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp mới hoặc đổi lại cho phóng viên trên toàn quốc những năm qua.

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, ở mục 4, Điều 25 về quyền và nghĩa vụ của nhà báo quy định: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Điều này đồng nghĩa với việc, thẻ nhà báo hoàn toàn có thể thay thế cho giấy giới thiệu của cơ quan. Chỉ trong trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo thì mới cần phải trình giấy giới thiệu của cơ quan khi tác nghiệp.

Luật cũng quy định: Các tổ chức, cá nhân phải tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí. Đây là gốc của vấn đề, cơ quan, đơn vị, UBND xã, phường có thể dựa trên tinh thần đó khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của báo chí. Đã nói tạo điều kiện thì không được gây khó khăn, nếu cứ yêu cầu phóng viên theo quy định của riêng mình, có nghĩa đẻ thêm “giấy phép con”.

Lê Ninh