“Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không đắt”

Kinh tế - Ngày đăng : 10:12, 13/03/2018

BT- Đó là câu nói của một nông dân đầu tiên đưa mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Israel về vùng cao Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc.

Đó là ông Trần Huy Hàm - chủ nhân của mô hình nông nghiệp cây ngắn ngày công nghệ cao ở thôn Đa Tro, Đa Mi.

Mô hình công nghệ cao của ông Hàm trải dài trên diện tích 6 sào chủ yếu trồng ớt xuất khẩu, “vận hành” và chăm sóc hoàn toàn theo quy trình công nghệ cao ở Israel - một trong những nước phát triển nhất thế giới về nông nghiệp.

Thay đổi cách làm

Những năm gần đây, sự bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất cây trồng. Trước thực tế đó, nhiều nông dân đang tìm cách thay đổi thói quen sản xuất lệ thuộc vào thời tiết. Ông Hàm - một nông dân ở vùng cao Đa Mi nằm trong số đó. Ông cho biết: Hiện nay thời tiết không ổn định, ảnh hưởng lớn đến sản lượng cây trồng. Ông cho ví dụ, cây sầu riêng là loại cây ít khi bị mất mùa, nhưng năm qua bị mất mùa. Người nông dân lệ thuộc vào thời tiết quá nhiều nên bây giờ phải tính toán lại để chủ động sản xuất.

Trước đó, ông đi nhiều nơi để học hỏi và hợp tác với Công ty cổ phần tập đoàn Việt Nam Xanh – một trong những tập đoàn nông nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng các sản phẩm sinh.

Mô hình gồm một nhà lồng và hệ thống tưới nhỏ giọt, cân bằng giúp cây phát triển nhanh. Hoàn thành và đưa vào trồng thử nghiệm cuối năm qua, ông ước tính sẽ cho năng suất rất cao khi 7.000 – 8.000 cây ớt chỉ thiên đang ra hoa kết trái. Ông chia sẻ: Có 4 công việc “cột chân” người làm nông là làm cỏ, bón phân, tưới, xịt thuốc, nhưng khi chuyển đổi sang mô hình này không phải làm gì hết, chỉ trồng và thu hoạch. Không lệ thuộc vào thời tiết và lo mất mùa, 1 năm 2 vụ chắc ăn.

 Đầu tư không đắt như vẫn tưởng

Nhắc đến nông nghiệp công nghệ cao, nhiều nông dân nghĩ đầu tư vào nó rất là đắt. Điều này khiến cho nông dân khó tiếp cận công nghệ. Theo ông Hàm, đầu tư vào mô hình công nghệ cao không đắt vì cho nông dân thu nhập ổn định. Chỉ tốn khoản đầu tư ban đầu, nhưng sẽ lấy lại rất nhanh khi cây trồng cho năng suất cao đều đặn. Ông lý giải: 1 ha cây trồng nếu làm theo phương pháp truyền thống, phải mất nhiều thời gian, công sức chăm sóc, nhưng cũng chưa chắc ăn vì  thời tiết, trong khi áp dụng công nghệ cao không phải lo lắng hay mất mát bất cứ thứ gì.

Mô hình của ông Hàm hiện đang trong thời gian chờ thu hoạch. Ngoài khâu trồng và thu hoạch cần đến bàn tay của con người, phần tưới đã có hệ thống tưới nhỏ giọt nuôi cây phát triển. Ông Hàm cho hay: Khâu trồng chỉ cần 1 hoặc 2 người tùy thuộc diện tích lớn nhỏ. Khâu thu hoạch hái ớt về phân loại mới cần nhiều người. Chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình khoảng 400 triệu/1 sào, sử dụng trong nhiều năm.

Ngoài trồng ớt, ông Hàm còn trồng dưa lưới xen canh, cho thu nhập quanh năm. Ông cho biết, sản phẩm của mô hình đang hướng  đến xuất khẩu một số nước châu Á. Dự tính mở rộng diện tích mô hình thêm khoảng 3 ha và sẽ xây dựng một khu sơ chế và kho lạnh, tuyển thêm nhân công.

Nói về mô hình, Chủ tịch UBND xã Đa Mi Huỳnh Anh Vũ cho biết, mô hình này rất hay, nếu bà con nông dân có nhu cầu phát triển, xã ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho nông dân.  

    
    Theo ông   Hàm, đầu tư vào mô hình công nghệ cao không đắt vì cho nông dân thu nhập   ổn định. Chỉ tốn khoản đầu tư ban đầu, nhưng sẽ lấy lại rất nhanh khi   cây trồng cho năng suất cao đều đặn.

Ninh Chinh